Cuộc bầu cử gay cấn hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ được các báo chí Pháp nhắc nhiều trong tuần vừa qua. Tuy vậy, những thông tin về kiểm soát kích động bạo lực trên mạng xã hội cũng được nhiều báo Pháp đặc biệt nhắc đến trong giai đoạn này.
Tờ Người quan sát đã đăng tải loạt bài điều tra về bạo lực trên mạng xã hội. Tờ báo cho thấy một thực tế là việc đăng tải những thông tin và hình ảnh bạo lực chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Tờ báo viết: "Một bức ảnh tồi tệ về cái đầu đẫm máu của giáo viên do chính Abdullakh Anzorov đăng trên cùng một mạng xã hội ngay sau vụ tấn công nhưng được người khác đăng tải lại". Tờ báo cũng cho thấy, việc đăng tải và kích động bạo lực một cách công khai đang là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực tiếp nối bạo lực.
Tờ Echos đặt ra câu hỏi, tại sao không tăng cường kiểm soát những tin bịa đặt trên mạng xã hội bằng trí tuệ nhân tạo. Tờ báo đưa ra con số đáng chú ý là chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 2018 - 2019, số tin bịa đặt trên mạng xã hội đã tăng 30%. Tờ báo đặt vấn đề về tính tương hỗ của thông tin bịa đặt và mạng xã hội, cho rằng chính mạng xã hội là môi trường tốt nhất để thông tin sai được phát tán.
Việc đăng tải và kích động bạo lực công khai đang là nguyên nhân khiến bạo lực gia tăng.
Tờ Người Paris chọn cách đăng tải một câu chuyện thật từ nghệ sĩ Bỉ Laura Laune, người mới bị dọa giết công khai trên mạng xã hội vì đã hát một ca khúc châm biếm xã hội. Kẻ dọa giết, có hơn 1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, đã dành nhiều lời lẽ bạo lực đối với nghệ sĩ này. Tờ Người Paris cũng cho rằng, phải có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Sau cái chết được báo trước của thầy giáo Samuel Paty, việc kiểm soát kịch động bạo lực trên mạng xã hội đang là một vấn đề mà nước Pháp đặt ra. Người ta cũng tính đến việc giãn cách xã hội sẽ càng khiến tâm trạng bị bức bối hơn, do đó cần có những biện pháp cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!