Vì sao Cao khảo là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới?

Như Anh (Theo South China Morning Post, CNN, AFP, Reuters, BBC)-Thứ tư, ngày 07/06/2023 16:02 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay và ngày mai chính là hai ngày vô cùng quan trọng đối với các thí sinh Trung Quốc vì họ sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học được coi là khốc liệt nhất thế giới.

Năm nay, dự kiến sẽ có 12,9 triệu sĩ tử nước này bước vào kỳ thi Cao khảo, và kỳ thi của năm nay có rất nhiều cái "nhất" so với những năm khác.

Kỳ thi đông thí sinh nhất

12,9 triệu thí sinh thi tuyển vào đại học tại Trung Quốc là một con số cao kỷ lục so với những năm trước, theo thống kê của trang CNN. Năm 2022 và 2021, số thí sinh lần lượt là hơn 11 triệu và 10 triệu. Không giống như các học sinh Mỹ có thể tham gia thi SAT nhiều lần, đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học Cao khảo kéo dài hai ngày là cách duy nhất để vào các trường đại học hàng đầu của đất nước và hầu hết học sinh Trung Quốc chỉ được có một cơ hội duy nhất để tham gia kỳ thi cam go. Chính vì thế, có thể nói, với hàng triệu thí sinh Trung Quốc thì đây là chính giây phút mà 12 năm đèn sách cuối cùng có thể đơm hoa kết trái. Truyền thông tuần qua đăng tải những bức ảnh cho thấy nhiều học sinh đến các ngôi đền để thắp nhang và cầu nguyện cho kết quả tốt. Nhiều giáo viên phát bánh bao gạo để lấy may. Mạng xã hội Trung Quốc thì tràn ngập những thông điệp chúc may mắn và động viên. Đây cũng là kỳ thi đại học đầu tiên sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt chưa từng có

Chính vì lượng thí sinh cao kỷ lục cũng như những nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể rình rập, giới chức Trung Quốc đặc biệt áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt để có thể có một kỳ thi thành công. Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường vào ngày 3/6 đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này đảm bảo kỳ thi tuyển sinh đại học diễn ra suôn sẻ. Hoàn cầu Thời báo đưa tin, nhiều nơi ở Trung Quốc đã nâng cấp kiểm tra an ninh cho kỳ, bao gồm lần đầu tiên lắp đặt thiết bị kiểm tra an ninh thông minh và yêu cầu thí sinh không đeo đồ trang sức bằng kim loại, nhằm ngăn chặn gian lận và đảm bảo tính công bằng của kỳ thi. Bên cạnh đó, nhằm loại bỏ những sai phạm có thể xảy ra trong kỳ thi đại học, những ngày gần đây, Bộ Công an Trung Quốc đã phát động chiến dịch phanh phui những vụ việc gian lận có tổ chức, mua bán băng ghi âm và thiết bị chụp ảnh bí mật được thiết kế để gian lận trong thi cử. Chiến dịch truy quét gian lận này được phát động chỉ vài ngày trước khi kỳ thi diễn ra. Một số tỉnh như Quảng Châu và Vân Nam, đã nâng cấp kiểm tra an ninh, bao gồm kiểm tra an ninh tình báo lần đầu tiên trong năm nay, để phát hiện các thiết bị điện tử như điện thoại di động, tai nghe và đồng hồ điện tử hoặc các thiết bị khác có thể được thí sinh sử dụng để gian lận thi cử.

Vì sao Cao khảo là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới? - Ảnh 3.

Thí sinh Trung Quốc lễ cầu may trước khi bước vào kỳ thi đại học mang tính quyết định. (Nguồn: Reuters)

Thành phố Tất Tiết ở tỉnh Quý Châu thì yêu cầu các thí sinh phải trải qua quy trình kiểm tra an ninh ba bước trước khi vào địa điểm thi. Nhiều trường thi khác còn triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nhận diện khuôn mặt để tránh trường hợp có người đi thi hộ. Ngày 4.6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo với các thí sinh dự thi tuyển sinh đại học năm nay rằng hãy tham gia kỳ thi và cư xử một cách chính trực, đúng với các điều luật và tránh việc bị lợi dụng trong thi cử. Theo các chuyên gia giáo dục, để gian lận trong kỳ thi Cao khảo là một việc cực kỳ khó, và các thí sinh có ý định gian lận cũng khó mà thực hiện trót lọt, nếu so với các kỳ thi khác như SAT hay ACT. Một khi bộ đề bị phát hiện là đã bị tuồn ra ngoài, một bộ đề khác ngay lập tức sẽ được "kích hoạt". Nếu gian lận mà bị phát hiện, thí sinh có thể bị cấm thi trong vòng vài năm, nghiêm trọng hơn là có thể bị phạt án tù nhiều năm.

Thị trường việc làm đầu ra ảm đạm hơn những năm trước

Lượng thí sinh năm nay cao đột biến, hơn năm trước tới 980 nghìn người. Điều này đã khiến các sinh viên lo ngại khi phải đối mặt với một nền kinh tế không chắc chắn và cơ hội việc làm ngày càng ít đi, với một số ý kiến cho rằng sự cạnh tranh cao sẽ dần dần làm giảm giá trị của tấm bằng đại học. Kể cả trong những năm qua, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh giảm, thì cũng phải mất vài năm xu thế này mới có tác động thực sự lên xã hội. Còn trước mắt, ít nhất trong vài năm tới, chắc chắn lượng sĩ tử thi vào đại học mỗi năm sẽ chỉ tăng lên mà thôi.

Vì sao Cao khảo là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới? - Ảnh 4.

Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc đang ở mức cao. (Nguồn: AFP)

Một người dùng trên mạng xã hội Douyin nhớ lại việc bản thân tham gia kỳ thi này vào năm 2000 khi chỉ có khoảng 3,75 triệu thí sinh tham gia. "Vậy mà đến thế hệ con cái tôi, có 12,91 triệu thí sinh, gần gấp bốn lần. Đây thực sự là thử thách"- người này cảm thán. Thanh niên Trung Quốc hiện nay đang là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỷ, với số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và dạy nghề. Nhưng họ cũng phải đối mặt với sự chênh lệch ngày càng tăng giữa kỳ vọng và cơ hội, với tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị gia tăng sau ba năm hạn chế do đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ. Theo con số do CNN đưa ra, cứ 5 thanh niên ở các thành phố Trung Quốc thì có một người không có việc làm. Những năm qua, chính quyền phát động làn sóng siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ, bất động sản và giáo dục. Điều này cũng đã tạo thử thách trong lĩnh vực tư nhân, vốn cung cấp hơn 80% việc làm ở Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đối với những người từ 16 đến 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố. Và tỷ lệ này có thể sẽ tăng hơn nữa, vì ước tính sẽ có 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay.

Vì sao Cao khảo là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới? - Ảnh 6.

Cao khảo vẫn là cánh cửa duy nhất mở ra tương lai cho hàng triệu người trẻ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Nhưng dù vậy, trên mạng xã hội Trung Quốc cũng có những ý kiến chia sẻ lạc quan, rằng việc đỗ kỳ thi Cao khảo là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời họ, một khoảnh khắc mà đến vài chục năm sau họ vẫn nhớ lại với niềm tự hào lớn lao. Chính vì thế, hơn 12 triệu thí sinh Trung Quốc năm nay vẫn đang cố gắng vượt qua "vũ môn" khốc liệt nhất trong cuộc đời, để tìm được chỗ đứng tốt ngay từ những ngày đầu tại giảng đường đại học.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước