Đó là chia sẻ của bà Pratima Kumari - người đi đầu trong tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở bang Bihar, Ấn Độ. Bà Kumari đã đi khắp các ngôi làng, gặp gỡ người dân địa phương và thuyết phục các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai để không được sinh quá hai con. Bà thường phát bao cao su và thuốc tránh thai miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, khi đến với thị trấn Kishanganj, nơi có tỷ lệ sinh cao nhất ở Ấn Độ, mọi cố gắng tuyên truyền của bà đều thất bại.
Bà Pratima Kumari - Nhân viên y tế cộng đồng cho biết: "Hầu hết người dân ở đây đều mù chữ, họ cảm thấy khó hiểu về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình ngay cả khi chúng tôi cố gắng giải thích cho họ. Chúng tôi đã phải nỗ lực hết sức để giảm tỷ lệ sinh đồng thời thuyết phục các bà mẹ sinh ít con để cho con cái họ có tương lai tốt đẹp và khỏe mạnh".
Theo thống kê, số con trung bình của một phụ nữ ở Ấn Độ là 2. Nhưng tại bang Bihar, một trong những bang kém phát triển nhất của nước này, tỷ lệ sinh lại cao nhất là 2,98. Ở Kishanganj, con số này còn lên đến 4,8 hoặc 4,9.
Các y bác sĩ làm việc ở Kishanganj ngoài công việc chuyên môn họ còn kiêm thêm cả nhiệm vụ quản lý dân số ở địa phương. Họ đi phát bao cao su miễn phí và tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về tránh thai tại các phiên chợ ở các làng. Bang Bihar cũng trả 3.000 rupi Ấn Độ (khoảng 850 nghìn VNĐ) hỗ trợ cho mỗi phụ nữ triệt sản và 4.000 rupi (khoảng 1.150 nghìn VNĐ) cho nam giới.
Các nhân viên y tế giúp người triệt sản được trả 500 rupee (khoảng 140 nghìn VNĐ) cho mỗi ca phẫu thuật. Tuy vậy, nhiều đàn ông ở địa phương đều kiên quyết từ chối đề nghị này vì cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến nam tính của họ. Chẳng hạn như ông Shyam, một nông dân 45 tuổi đã có 7 con.
Ông Shyam Soren - Người dân bang Bihar nói: "Tại sao tôi phải phẫu thuật, tôi sẽ không bao giờ làm. Tôi sẽ để vợ tôi đi phẫu thuật triệt sản".
Theo cuộc thăm dò ý kiến của các bà mẹ ở địa phương, phần lớn họ cho rằng giới tính là yếu tố chính khiến họ lựa chọn sinh nhiều con. Bà Chandani Devi - Người dân bang Bihar cho biết: "Đây là đứa con gái thứ tư của tôi. Tôi từng hy vọng nó là con trai nhưng điều đó không xảy ra".
Giới chức bang Bihar cho biết, họ đang thất bại trong nỗ lực kiềm chế sự gia tăng dân số. Họ từng đặt mục tiêu sẽ triệt sản cho 871 nghìn người vào năm 2020, tuy nhiên trên thực tế con số này chỉ đạt 46%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!