Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tham dự lễ đặt vòng hoa tại tượng đài Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov ở Ulaanbaatar, ngày 3/9. (Ảnh: AFP)
Ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên có chuyến thăm tới một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) kể từ khi cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ ông vào năm 2023. Ông Putin đã bị ICC có trụ sở tại Hague truy nã với cáo buộc trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine kể từ khi quân đội thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào năm 2022.
Ông Putin đã hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar vào đêm 2/9, bắt đầu chuyến đi được coi là "hành động thách thức" ICC, Kiev, phương Tây và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi bắt giữ ông. Nhà lãnh đạo Nga đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh trong ngày 3/9.
Tổng thống Putin đã dành lời khen ngợi "thái độ tôn trọng" của Mông Cổ và nói với người đồng cấp Khurelsukh rằng hai quốc gia có "lập trường gần gũi" về nhiều vấn đề quốc tế hiện tại.
Chính quyền Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin sự đón tiếp trọng thị (Ảnh: AFP)
Ukraine đã phản ứng dữ dội với chuyến đi này, cáo buộc Mông Cổ "chia sẻ trách nhiệm" đối với "tội ác chiến tranh" của ông Putin sau khi chính quyền Ulaanbaatar không bắt giữ ông tại sân bay. "Bằng cách từ chối bắt giữ ông Putin, Mông Cổ đã cố tình gây nguy hiểm cho vị thế quốc tế của mình", Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin viết trên mạng X.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhiy Tykhyi tuyên bố Kiev sẽ hợp tác với các đồng minh của mình để đảm bảo Mông Cổ phải gánh chịu hậu quả.
Một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu cho biết khối này "lấy làm tiếc" vì Mông Cổ đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Quy chế Rome thành lập ICC.
Mỹ, quốc gia không phải là thành viên của ICC và ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với Mông Cổ, bày tỏ hy vọng các quan chức Mông Cổ sẽ nêu thái độ quan ngại với Tổng thống Putin. "Chúng tôi hiểu vị thế của Mông Cổ, quốc gia kẹp giữa hai nước láng giềng lớn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là họ phải tiếp tục ủng hộ pháp quyền", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh.
Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Putin đến Mông Cổ để bàn về dự án đường ống dẫn khí đốt mới kết nối Nga và Trung Quốc. Nga đã đàm phán trong nhiều năm về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên để vận chuyển 50 tỷ m3 mỗi năm từ vùng Yamal đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Dự án Power of Siberia 2 là một phần trong chiến lược của Nga nhằm bù đắp cho phần lớn doanh số bán khí đốt đã bị mất ở châu Âu kể từ khi xung đột với Ukraine bùng nổ.
Là một nền dân chủ sôi động nằm giữa hai cường quốc là Nga và Trung Quốc, Mông Cổ có mối liên hệ văn hóa chặt chẽ với Moscow cũng như mối quan hệ thương mại quan trọng với Bắc Kinh.
Altanbayar Altankhuyag, một nhà kinh tế 26 tuổi, nhận định: "Trung Quốc và Nga đều rất quan trọng đối với chúng tôi với tư cách là những nước láng giềng".
Mông Cổ nằm dưới sự thống trị của Moscow trong thời kỳ Liên Xô nhưng đã tìm cách duy trì mối quan hệ hữu nghị với cả Điện Kremlin và Bắc Kinh kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ulaanbaatar không lên án cuộc tấn công của Nga ở Ukraine và đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu về cuộc xung đột này tại Liên hợp quốc.
Tuần trước, Điện Kremlin cho biết họ không lo ngại về khả năng Tổng thống Putin sẽ bị bắt trong chuyến thăm Mông Cổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!