Trên trang nhất của hàng loạt tờ báo châu Âu đều đăng tải thông tin về vụ khủng bố liên hoàn tại thủ đô nước Pháp với các cụm từ như "thảm sát tại Paris", "cuộc bao vây đẫm máu tại Paris", "khủng bố tại Paris"… Một bầu không khí lo sợ đang bao trùm toàn bộ nước Pháp. "Tại sao lại là nước Pháp?" là câu hỏi được đặt ra sau các vụ tấn công này.
Ngày 7/1 - 9/1: 12 người thiệt mạng tại tòa soạn tạp chí châm biến Charlie Hebdo.
Ngày 7/6: Hai con tin bị cảnh sát Pháp bắt giữ vì có liên quan đến một âm mưu tấn công khủng bố các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở ngoại ô Paris.
Ngày 13/7: An ninh Pháp ngăn chặn thành công một âm mưu tấn công nhiều cơ sở quân sự. 4 nghi can bị bắt giữ, bao gồm 1 kẻ có liên lạc với nhiều kẻ khủng bố ở Pháp.
Ngày 12/8: Các hành khách trên đoàn tàu từ Amsterdam tới Paris ngăn chặn thành công một thanh niên Moroco 25 cầm súng AK-47 định xả đạn vào hành khách.
Mặc dù Pháp đã chấn chỉnh lại an ninh, tăng mức báo động, tuy nhiên, làn sóng thanh niên Hồi giáo đi theo con đường cực đoan và bạo lực vẫn đang gia tăng tại quốc gia châu Âu này.
Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao - cho rằng: “Nước Pháp là một trong những mục tiêu mà bọn khủng bố lựa chọn, với mục đích nhằm khủng bố tinh thần người dân để đòi những yêu sách về chính trị và thông thường, các nhóm khủng bố sẽ nhằm vào các đám đông. Chúng đã chọn nước Pháp. Chúng sẽ chọn mục tiêu dễ đánh nhất, nơi mà an ninh lỏng lẻo nhất hoặc nơi người ta mất cảnh giác nhất và dường như Paris đang ở trong một tình thế như vậy”.
Ngoài ra, việc Pháp và liên quân do Mỹ dẫn đầu tiêu diệt tổ chức khủng bố IS cũng đưa họ vào tầm ngắm của tổ chức khủng bố này.
Ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhận định: “Chúng tôi đang trong chiến tranh, một cuộc chiến tranh kiểu mới, trên đất Pháp, một nhóm nhỏ gồm 3 - 4 đối tượng có thể tập hợp với nhau và quyết đinh thực hiện cuộc tấn công chỉ sau vài cuộc trao đổi qua Internet. Tình hình rất phức tạp với cảnh sát cũng như quân đội phải thích nghi với sự thật và nguy cơ này. Tất cả những phản ứng của chính phủ đều nhằm chống lại nguy cơ đó”.
Theo ông Jean-Noel Poirier, không chỉ có Pháp, các quốc gia châu Âu khác cũng không nằm ngoài mục tiêu của khủng bố. Để ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, cần có sự chung tay góp sức tích cực giữa các quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!