Tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez. (Ảnh: AP)
Những hình ảnh đăng tải trên các trang mạng giám sát hoạt động đường biển Vesselfinder và myshiptracking cho thấy, phần đuôi tàu đã dần dịch chuyển ra xa phần bờ phía Tây của kênh đào Suez.
Một nguồn tin tại hiện trường của hãng tin AFP (Pháp) cũng đã xác nhận diễn biến này. Theo một nguồn tin giấu tên thuộc công ty Shoei Kisen, chủ quản con tàu, sáng 29/3, 11 tàu lai dắt đã dần đưa tàu Ever Given khỏi vị trí mắc cạn nhưng tàu chưa hoàn toàn di chuyển bình thường được. Trong khi đó, giới chức quản lý kênh đào phía Ai Cập cho biết, tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển "tới 80%".
Đến nay, tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển "tới 80%". (Ảnh: AP)
Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) dẫn các hình ảnh và nguồn tin hiện trường cho thấy, siêu tàu container dần thoát khỏi vùng mắc cạn, chuyển động dọc theo dòng nước và trở lại hướng di chuyển thông thường, tạo những khoảng trống rất cần thiết trên mặt kênh. Các đội kỹ thuật đang kiểm tra sơ bộ các bộ phận của tàu, khởi động động cơ và tàu chuẩn bị được lai dắt về phía Hồ lớn (Great Lakes).
Trước đó, đội cứu hộ tàu đã nạo vét khoảng 27.000 m3 cát về phía hai bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18m, để tạo lối di chuyển cho con tàu mắc cạn. Phần mũi tàu đã bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định.
Đây là những thông tin rất được mong đợi sau gần 1 tuần xảy ra sự cố khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt, hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào nhà chức trách Ai Cập sẽ cho khôi phục hoạt động qua kênh đào.
Sự cố tàu Ever Given xảy ra đúng vào thời điểm khó khăn với thương mại quốc tế, bởi đại dịch COVID-19 đang gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiếu hụt nhiều loại hàng hóa quan trọng như chip bán dẫn tại các quốc gia.
Tàu Ever Given có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá. Khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ, con tàu đã bị mắc cạn từ ngày 23/3. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương qua kênh đào Suez hầu như tê liệt, làm kinh tế thế giới thiệt hại 400 triệu USD/h.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020. Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở 2 đầu kênh đào dài khoảng 190 km này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!