Vụ vỡ đập Nova Kakhovka có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong nhiều thập niên trở lại đây. Đập bị vỡ, lượng nước khổng lồ từ hồ chứa tràn xuống vùng hạ lưu, nhấn chìm nhiều làng mạc và thị trấn. Ở hai bên bờ sông Dnipro, thảm họa ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 42 nghìn người và đến nay, họ vẫn phải chật vật tìm cách ổn định cuộc sống.
Hơn một tuần sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, nước đã rút dần làm lộ ra lớp bùn cát. Tuy nhiên, nhiều đường phố gần sông Dnipro vẫn bị ngập. Thiếu nước sạch, người dân phải đến các điểm phân phối để được cấp nước, mỗi người 1 bình.
Ông Viktor Kuzmenko - Cư dân bên bờ sông Dnipro, Ukraine: "Nước sinh hoạt đã có lại rồi, nhưng cũng chỉ được vài tiếng mỗi ngày thôi".
Kể từ khi đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro bị vỡ vào ngày 6/6, khoảng 900 người dân địa phương đã được sơ tán khỏi những khu vực bị ảnh hưởng. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, 10 người đã thiệt mạng ở vùng Kherson và Mykolaiv, 42 người khác mất tích. Trên các con phố ngập nước, các tình nguyện viên vẫn di chuyển bằng thuyền tìm kiếm những con vật đã bị bỏ lại phía sau khi chủ nhân của chúng vội vàng đi sơ tán. Đến nay công tác khắc phục hậu quả sự cố vẫn còn ngổn ngang.
Toàn cảnh thảm họa vỡ đập tại Ukraine
Đập Nova Kakhovka được xây dựng vào năm 1956, dài 3,2 km, cao 30 mét và là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka. Phía trên đập là 1 cầu đường bộ cho xe cộ di chuyển qua sông Dnipro. Vị trí đập nằm cách thành phố Kherson khoảng 30 km về phía Tây. Phía Bắc con đập là hồ chứa khổng lồ, rộng lớn tới mức đứng ở bờ bên này của hồ còn không nhìn thấy bờ bên kia. Trữ lượng nước được ước tính lên tới 18 tỷ mét khối. Vai trò của đập cực kỳ thiết yếu trong việc cấp nước tưới tiêu cho bán đảo Criema cũng như là nguồn cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu.
Khoảng 2h sáng ngày 6/6, đập bị vỡ, lượng nước khổng lồ đổ về làm ngập lụt diện tích lên tới 600 km2, ở hai bờ sông Dnipro. Nhiều nơi mực nước lên cao, cuốn trôi cả mái nhà.
Vụ vỡ đập kéo theo ba hệ quả lớn. Thứ nhất là nguy cơ mất an ninh lương thực. Ước tính khoảng 10 nghìn ha đất nông nghiệp bị ngập lụt gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp Ukraine vốn là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp Ukraine cảnh báo, không được đập Nova Kakhovka điều tiết nước thì những cánh đồng ở miền Nam nước này có thể biến thành sa mạc.
Hệ quả thứ hai là vụ vỡ đập sẽ khiến các hóa chất công nghiệp như dầu nhớt ngấm vào đất và nguồn nước ngầm gây tổn hại đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Ông Ruslan Strilets - Bộ trưởng Môi trường Ukraine: "Vụ vỡ đập sẽ tác động tới chúng ta không chỉ vài tuần hay vài tháng mà trong thời gian rất dài. Ít nhất 150 tấn dầu sẽ rò rỉ vào sông Dnipro, gây thiệt hại lớn đối với môi trường".
Hội Chữ thập đỏ cũng cảnh báo rằng mìn chưa nổ và các loại đạn dược khác đã bị lũ cuốn và có thể trôi dạt về bất cứ đâu. Điều này gây nên hiểm họa tiềm tàng cho dân thường trong nhiều năm sau này.
Ông Erik Tollefsen - Hội Chữ thập Đỏ quốc tế: "Tùy thuộc vào hình dạng và cấu tạo, các quả mìn có thể trôi nhiều km về phía hạ lưu, đặc biệt là các quả mìn có thân nhựa có thể nổi lâu hơn. Không thể biết được chúng sẽ trôi ra biển hay dừng lại ở làng mạc, thị trấn hay nông trại nào phía hạ nguồn. Đây là rủi ro lớn đối với dân thường".
Tin giả tràn lan mạng xã hội sau vụ vỡ đập Ukraine
Vụ vỡ đập Nova Kakhovka đã khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh ngập lụt và kéo theo sau đó 1 cơn lũ tin giả. Nhiều hình ảnh được cho là liên quan đến vụ vỡ đập xuất hiện tràn lan, nhưng không phải tất cả những hình ảnh đó đều là thật.
Sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, trên mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh, video được mô tả là liên quan đến sự cố. Trang web này đăng 1 bức ảnh gây ấn tượng với những chú chó lóp ngóp trong biển nước. Tuy nhiên trên thực tế, đó lại là bức ảnh từ trận lụt nghiêm trọng tại Thái Lan hồi năm ngoái.
Trên TikTok lại có đoạn video ghi lại cảnh những con bò mắc kẹt trong nước ngập. Nhưng từ watermark và tài khoản đăng tải video, có thể truy ra vụ việc này xảy ra trước khi vỡ đập Nova Kakhovka. Địa điểm cũng chẳng phải Ukraine mà ở Thổ Nhĩ Kỳ. Video này được mô tả là ghi lại thời điểm xảy ra vụ vỡ đập Nova Kakhovka, nhận được hơn 1 triệu lượt xem. Địa điểm được xác định chính là Kakhovka, tuy nhiên đó là vụ việc xảy ra từ năm ngoái.
Một ví dụ khác là video được đăng tải trên Telegram, với nội dung là Ukraine đã cố ý mở cửa 4 nhà máy thủy điện trên sông Dnipro, khiến tình trạng ngập lụt ở Kherson càng thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây là nội dung được xuyên tạc từ 1 video đăng hồi tháng 4 trên Instagram. Nội dung video gốc là các biện pháp được thực hiện để ngăn tình trạng ngập lụt vào mùa xuân.
Ông Joscha Weber - Trưởng nhóm xác minh thông tin, kênh truyền hình DW: "Những thông tin sai lệch liên quan đến vụ vỡ đập Nova Kakhovka có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về thảm họa. Vậy nên cách tốt nhất là kiểm tra thông tin hai lần trước khi chia sẻ".
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ tiếp tục được thể hiện rõ hơn trong những tháng tới. Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo đang tăng cường nỗ lực viện trợ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và giảm thiểu tác động tiêu cực thảm họa vỡ đập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!