Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự chuẩn bị trước một đại dịch mới tiềm ẩn, được gọi là "bệnh X" trên phạm vi toàn cầu.
Fox News đưa tin, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nước trên toàn thế giới cùng nhau ký kết một "hiệp ước đại dịch" để giải quyết căn bệnh X chết người, có thể nguy hiểm gấp 20 lần so với COVID-19. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Ghebreyesus nói rằng ông hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận về ứng phó đại dịch vào tháng 5 để giải quyết "kẻ thù chung" này.
Ông Ghebreyesus nói: "Có những điều chưa biết có thể xảy ra và bất cứ điều gì xảy ra đều chỉ là vấn đề khi nào chứ không phải nếu. Vì vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị ứng phó đối với những căn bệnh mà chúng ta chưa biết".
Tổng Giám đốc WHO cho biết thêm rằng WHO đã bắt đầu thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho một đợt bùng phát dịch bệnh khác bao gồm việc thành lập quỹ đại dịch và thành lập một "trung tâm chuyển giao công nghệ" ở Nam Phi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus (Ảnh: AP)
''Công bằng, đó là một vấn đề cốt lõi. Nhiều quốc gia có thu nhập cao đang tích trữ vaccine. Để giải quyết vấn đề công bằng, chúng tôi đã thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA ở Nam Phi. Điều này là để tăng sản lượng (vaccine) tại địa phương", ông giải thích.
Bệnh X không phải là một bệnh cụ thể mà là tên của một loại virus tiềm ẩn tương tự như COVID-19. Nó có thể là một tác nhân mới, loại virus, vi khuẩn hoặc nấm mà chưa có phương pháp điều trị nào được biết đến. WHO phân loại căn bệnh chưa rõ tên nói trên trong số các bệnh như COVID-19, Ebola, sốt Lassa, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), virus Nipah và virus Ebola - những căn bệnh đã gây tử vong trên diện rộng trong những đợt bùng phát.
Theo tạp chí y tế The Lancet, WHO chính thức bắt đầu sử dụng thuật ngữ này vào năm 2018, đại diện cho căn bệnh chưa biết tiếp theo về tiềm năng dịch bệnh.
Một báo cáo của WHO từ tháng 11/2022 đề cập rằng "bệnh X" được đưa vào để chỉ ra một mầm bệnh chưa xác định có thể gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Theo WHO, trên toàn thế giới, số lượng mầm bệnh tiềm tàng rất lớn, trong khi nguồn lực dành cho nghiên cứu các bệnh bệnh lý và phát triển (những phương pháp phòng ngừa, điều trị) còn hạn chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!