G20 ra mắt quỹ ứng phó đại dịch trong tương lai

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 15/11/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây được xem là một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất của Hội nghị thượng đỉnh G20 và của nước giữ vai trò Chủ tịch G20 năm nay là Indonesia.

Ngày 14/11, lãnh đạo nhiều quốc gia đã bắt đầu tới Bali, Indonesia, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20, trong hai ngày 15 và 16/11. Vấn đề đáng chú ý nhất đến lúc này là ngay trước thềm diễn ra hội nghị, G20 đã ra mắt Quỹ ứng phó đại dịch trong tương lai, do Indonesia và Italy làm đồng chủ tịch. Quỹ này sẽ bắt đầu được giải ngân vào đầu năm 2023. Các quốc gia sẽ xây dựng tiêu chí cho các nước để được nhận hỗ trợ, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và nghèo.

Tham gia đóng góp quỹ có 24 nước, gồm các thành viên G20 và một số nước khác, cùng các tổ chức nhân đạo. Tổng thống Indonesia Joko Widodo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy, thế giới mỗi năm cần đến khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm chuẩn bị ứng phó với đại dịch, do vậy là thiết thực và đạt được đồng thuận của G20.

G20 ra mắt quỹ ứng phó đại dịch trong tương lai - Ảnh 1.

Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ phát biểu: "Quỹ phòng chống đại dịch là một công cụ mới và quan trọng, giúp chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai có thể đe dọa cuộc sống và sinh kế ở mọi nơi trên thế giới. Tôi nghĩ điều cốt yếu là quỹ sẽ giúp xúc tác các khoản đầu tư bổ sung, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các đối tác chính".

Quỹ phòng chống đại dịch hiện đã quyên góp được 1,4 tỷ USD, còn cách khá xa mục tiêu hơn 31 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, Italy đóng góp 102 triệu USD, Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. Một số quốc gia khác đã tuyên bố cam kết ủng hộ tài chính. Nguồn tiền này, được kỳ vọng có thể hỗ trợ phần nào các nước đang phát triển và nước nghèo trong công tác cải thiện hệ thống y tế, chuẩn bị ứng phó tốt hơn trong trường hợp đặt giả định lại xảy ra đại dịch trong tương lai.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: "G20 đã quyết định xây dựng quỹ cho mục đích phòng chống và chuẩn bị trước tình huống xảy ra đại dịch. Nhiều nước và nhà tài trợ đã tham gia đóng góp, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Tôi hy vọng quỹ ứng phó đại dịch này sẽ còn nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa trong tương lai".

G20 ra mắt quỹ ứng phó đại dịch trong tương lai - Ảnh 2.

Đại dịch COVID-19 đã minh chứng, thế giới cần quan tâm hơn tới sức khỏe cộng đồng. Việc lập quỹ phòng đại dịch ghi nhận lần đầu tiên, các quốc gia trên thế giới cùng tham gia củng cố "kiến trúc y tế" toàn cầu theo những bước cụ thể.

Các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình mới này?

Quỹ phòng chống đại dịch trực thuộc Ngân hàng Thế giới và do một Hội đồng quản trị, trong đó có các chuyên gia biệt phái của Tổ chức Y tế thế giới điều hành.

Quỹ cũng có một ban cố vấn kỹ thuật do Tổ chức Y tế thế giới chủ trì và các chuyên gia hàng đầu để đánh giá và đưa ra khuyến nghị cho Hội đồng quản trị về các đề xuất tài trợ, đảm bảo phù hợp với Quy định y tế quốc tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, quỹ có thể hỗ trợ 6 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự về y tế của G20, trong đó có tăng cường giám sát bộ gen, khuyến khích huy động nguồn lực y tế, mở rộng mạng lưới nghiên cứu, sản xuất vaccine, liệu pháp và chẩn đoán; đồng thời quỹ cũng sẽ cung cấp thêm một nguồn tài chính dài hạn để giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

G20 ra mắt quỹ ứng phó đại dịch trong tương lai - Ảnh 3.

Theo kế hoạch, Quỹ phòng chống đại dịch sẽ được giải ngân vào đầu năm sau. Do đó, các quốc gia sẽ xây dựng tiêu chí cho các nước để được nhận hỗ trợ, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và nghèo.

Theo nhận định thế giới đang hướng tới hai cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng xuất phát từ các cuộc xung đột khu vực, bao gồm xung đột Nga - Ukraine và thiên tai gia tăng do biến đổi khí hậu. Trong đó, xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Vì thế để giải quyết hai vấn đề này, các chuyên gia cho rằng G20 cần phải tập hợp được sự thống nhất của các nhà lãnh đạo, với những khác biệt về địa chính trị, để tìm ra điểm chung và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng cả ngắn hạn và dài hạn.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia diễn ra trong bối cảnh bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ xung đột Nga - Ukraine đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực, năng lượng, sự kiện được kỳ vọng trở thành cầu nối để các bên gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe những quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy những mục tiêu phục hồi chung.

G20 thành lập quỹ toàn cầu ứng phó với đại dịch G20 thành lập quỹ toàn cầu ứng phó với đại dịch

VTV.vn - Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về nguyên tắc việc thành lập quỹ toàn cầu ứng phó với đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước