Quán cà phê trong khu vực dành cho người đi bộ ở Vienna, Áo trong thời gian đóng cửa. (Ảnh: AP)
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh, việc đóng cửa là "biện pháp cuối cùng" và kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 nhằm ngăn ngừa các ca tử vong vì bệnh dịch này.
Ông Hans Kluge nói, nếu 95% người dân đeo khẩu trang thay vì chỉ 60% như hiện nay, việc "đóng cửa sẽ là không cần thiết", mặc dù sử dụng khẩu trang không phải là "thuốc chữa bách bệnh" mà cần kết hợp với các biện pháp phòng dịch khác.
Cửa hàng tạm dừng hoạt động ở trung tâm Vienna, Áo ngày 17/11. (Ảnh: AP)
Ông Kluge lưu ý rằng, hàng trăm triệu người hiện đang sống trong tình trạng bị đóng cửa vì COVID-19, mất việc làm, cần được hỗ trợ kinh tế, bị gián đoạn dịch vụ y tế và phải hứng chịu những thiệt hại về sức khỏe tâm thần, lạm dụng chất kích thích và bạo lực giới.
Phát biểu tại Copenhagen, Đan Mạch, ông Kluge cảnh báo về tác động tiêu cực của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm. Theo ông Kluge, các hạn chế chỉ nên được nới lỏng dần dần.
Hàng trăm triệu người hiện đang sống trong tình trạng bị đóng cửa vì COVID-19. (Ảnh: AP)
Đã có hơn 29.000 ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu vào tuần trước, theo đó cứ 17 giây lại có một bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng. Ông Kluge cho biết thêm, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã tăng 18% ở châu Âu trong hai tuần qua với khoảng 4.500 người không qua khỏi mỗi ngày.
Thực trạng trên đã dẫn đến nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải. Các khu chăm sóc đặc biệt của Pháp đã hoạt động hơn 95% công suất trong 10 ngày liên tục, trong khi các đơn vị chăm sóc đặc biệt của Thụy Sĩ hoạt động hết công suất.
Các biện pháp hạn chế hiện nay tại châu Âu đã giúp số trường hợp mắc mới giảm từ 2 triệu xuống 1,8 triệu ca vào tuần trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!