Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của các biến thể mới cũng như ảnh hưởng của chúng đến việc chẩn đoán và vaccine COVID-19.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết:
Tại sao chúng ta nên cẩn trọng với biến thể Delta?
Biến thể Delta là một biến thể đáng lo ngại mà WHO đang theo dõi, giám sát trên toàn thế giới. Biến chủng này đã xuất hiện tại 135 quốc gia. Hiện vaccine vẫn rất hiệu quả trong phòng bệnh COVID-19 nặng do biến thể Delta gây ra. Tuy nhiên, hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng có vẻ suy giảm.
Cùng việc thực hiện biện pháp 5K, hãy tiêm bất cứ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt. Vaccine là công cụ bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh nặng và tử vong khi đối mặt với biến thể Delta.
WHO đánh giá thế nào về việc triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam?
WHO đánh giá cao cam kết ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong tiêm phòng COVID-19. Mục tiêu toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm đủ liều cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trước tháng 9 năm nay, 40% đến cuối năm và 70% vào giữa năm sau. Đây là những cột mốc cần đạt được để kết thúc đại dịch.
Rất nhiều quốc gia đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, không riêng Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để có thể cung cấp đủ vaccine cho người dân.
Tất cả vaccine được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng. Nó làm giảm nguy cơ biến thể Delta lây lan trong cộng đồng và gây ra biến thể mới.
Tôi muốn nhấn mạnh, vaccine an toàn, hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19. Nhưng nó không phải là "chìa khóa vạn năng". Chỉ vaccine không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện 5K kể cả khi đã tiêm phòng.
Vậy còn vaccine Sinopharm thì sao? Liệu nó có thể bảo vệ người tiêm trước biến thể Delta không?
Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy, 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ 2.
WHO kết luận rằng, lợi ích mà vaccine Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.
WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Sinopharm dựa trên Lộ trình Ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.
Hiện đang có những ý kiến cho rằng một số vaccine tốt hơn hoặc hiệu quả hơn các loại khác. Xin hỏi ý kiến của WHO cho vấn đề này là gì?
Tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. Các vaccine đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do COVID-19 gây ra.
WHO cũng đang theo dõi chặt chẽ hiệu quả của các vaccine này trong thực tế sử dụng, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vaccine; và chúng tôi cũng sẽ cập nhật các khuyến cáo mới nhất liên quan nếu cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!