Xung lực mới cho hợp tác Trung Quốc - châu Âu

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 07/05/2024 10:24 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du châu Âu. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc - EU.

Củng cố, tăng cường "sự phối hợp chiến lược"

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Pháp, Chủ tịch Trung Quốc có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Việc phát triển quan hệ Bắc Kinh - Paris và Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận nhân chuyến công du này của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn của khu vực và quốc tế đòi hỏi tăng cường hợp tác đa phương.

Trong bài phát biểu tại điện Elysee, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Cuộc hội đàm ba bên hôm nay gia tăng ý nghĩa của chuyến thăm tới châu Âu. Trung Quốc vẫn luôn nhìn nhận quan hệ với châu Âu từ tầm nhìn chiến lược và dài hạn, xem châu Âu là một hướng đi quan trọng trong ngoại giao với các nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc và là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trên hành trình hiện đại hóa. Tôi hy vọng quan hệ Trung Quốc - Pháp và quan hệ Trung Quốc - châu Âu sẽ thúc đẩy lẫn nhau và cùng phát triển".

Xung lực mới cho hợp tác Trung Quốc - châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AFP)

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - khẳng định: "Chúng tôi nhất trí rằng châu Âu và Trung Quốc có chung lợi ích về hòa bình và an ninh. Chúng tôi trông cậy vào Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine".

Châu Âu, trong đó Pháp là một thành viên đóng góp tích cực, đang thúc đẩy tái công nghiệp hóa dựa trên đổi mới xanh. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tăng tốc phát triển các lực lượng sản xuất mới có chất lượng. Do đó, hai bên có thể tăng cường hợp tác về đổi mới và cùng nhau thúc đẩy phát triển xanh.

Ông Hervé Machenaud - nguyên Tổng Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) - nhận định: "Chuyển đổi năng lượng rõ ràng là một vấn đề toàn cầu quan trọng mà tôi cho rằng Pháp và Trung Quốc cùng đóng vai trò và gánh vác trách nhiệm đặc biệt. Tôi nghĩ Pháp và Trung Quốc có quan điểm tương tự trong việc bảo vệ thiên nhiên và đảm nhận trách nhiệm quốc tế. Một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Trung Quốc và Pháp là năng lượng hạt nhân. Lĩnh vực này đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng".

Ông Luo Qingping - Chủ tịch Viện Chiến lược Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc - cho biết: "Cả Trung Quốc và Pháp đều đặt mục tiêu trung hòa carbon. Mục tiêu của Trung Quốc là năm 2060, còn Pháp là năm 2050. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Năng lượng Hạt nhân năm 2024, có thêm nhiều quốc gia công nhận năng lượng hạt nhân là một lựa chọn thiết thực để giảm nhẹ biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn điện ổn định".

Chuyến thăm lần này của chủ tịch Trung Quốc tới châu Âu là cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới, tạo xung lực mới cho hợp tác phát triển, cũng như chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.

Động lực mới trong hợp tác Trung Quốc - EU

Ngay trước thềm chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu, một báo cáo được phía Trung Quốc công bố đã nhận định Hợp tác về khí hậu là động lực mới cho quan hệ Trung Quốc - EU.

Trong báo cáo được công bố với tiêu đề "Hợp tác môi trường và khí hậu Trung Quốc - EU: Tiến bộ và triển vọng", 4 cơ quan tham vấn chính sách của Trung Quốc đã đánh giá hợp tác môi trường và khí hậu đã trở thành điểm sáng mới, trụ cột mới, động lực mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Báo cáo kêu gọi Trung Quốc và EU cần thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất hơn, tăng cường kết nối chính sách môi trường và khí hậu thông qua các cơ chế hợp tác và đối thoại cấp cao; đồng thời, thiết lập khuôn khổ hợp tác lâu dài cũng như thúc đẩy hành động về khí hậu toàn cầu…

Xung lực mới cho hợp tác Trung Quốc - châu Âu - Ảnh 2.

Trung Quốc và EU tăng cường hợp tác về môi trường và khí hậu (Ảnh: parliamentmagazine)

Thực tế, môi trường và khí hậu có thể nói là lĩnh vực ít nhạy cảm nhất trong hợp tác Trung Quốc - EU hiện nay. Hợp tác trong lĩnh vực này cũng đã đạt được tiến triển nhất định trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi hai bên nhất trí thành lập cơ chế đối thoại cấp cao về môi trường và khí hậu năm 2020. Do đó, việc công bố báo cáo trên ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã phần nào phản ánh nhu cầu và kỳ vọng của nước này trong việc thúc đẩy hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhân chuyến thăm, qua đó tạo tiền đề để mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, xây dựng tin cậy chính trị và duy trì ổn định chiến lược cho quan hệ Trung Quốc - EU trong thời gian tới.

Ý nghĩa chuyến thăm Pháp, Serbia và Hungary của Chủ tịch Trung Quốc

Giới phân tích châu Âu nhận định chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình có ba trọng tâm. Thứ nhất, tại các cuộc gặp, giới chức châu Âu sẽ thuyết phục Trung Quốc tham gia Hội nghị hòa bình do Thuỵ Sỹ tổ chức vào tháng tới, để thảo luận về kế hoạch 10 điểm do Tổng thống Ukraine đưa ra từ cuối năm 2022. Tờ Le Monde của Pháp cho biết việc đối thoại với Trung Quốc sẽ là đòn bẩy lớn nhất góp phần giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Thứ hai, chuyến công du sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc, khi Ủy ban châu Âu đang điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện và pin mặt trời.

Xung lực mới cho hợp tác Trung Quốc - châu Âu - Ảnh 3.

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Cuối cùng, hai điểm đến sau Pháp là Serbia và Hungary, đều là thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chuyển thăm của Chủ tịch Trung Quốc sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trong khuôn khổ Sáng kiến này. Riêng với Serbia, chuyến thăm cũng là cơ hội củng cố vị thế là đối tác chính của Trung Quốc ở khu vực Tây Balkan.

Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà hai bên chia sẻ lợi ích và tiềm năng, chẳng hạn như phát triển xanh. Điều này không chỉ không chỉ giúp củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU mà còn có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu khi Trung Quốc và EU đều đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Trung Quốc-EU

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước