Các nền kinh tế mới nổi đang lao đao

Trần Hà (Phóng viên VTV thường trú tại Mỹ - thoisu@vtv.vn)-Thứ năm, ngày 22/01/2015 11:15 GMT+7

Ảnh minh họa

Vài năm trước, nếu các nền kinh tế mới nổi được xếp vào phía cơ hội, thì giờ hoàn toàn ngược lại. Đó đang là những thách thức đặt ra cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) năm nay đề cập đến hai thái cực rõ rệt. Đó là cơ hội và thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi - trọng tâm trong các kỳ Davos - cũng đang được giới chuyên gia phố Wall đặc biệt quan tâm.

Vài năm trước, nếu các nền kinh tế mới nổi được xếp vào phía cơ hội, thì giờ hoàn toàn ngược lại. Đó đang là những thách thức đặt ra cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong một số các diễn đàn kinh tế trước đây, chúng ta thường quen với cụm từ các nền kinh tế mới nổi là động lực chính của kinh tế toàn cầu. Nhưng giờ cụm từ đó có vẻ đang trở nên lỗi thời khi động lực của các nền kinh tế mới nổi đang dần bị mất đi. Thậm chí một số các chuyên gia trên phố Wall cho rằng các nền kinh tế mới nổi đang chìm.

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ, Nga đang vật lộn để tránh bị rơi vào suy thoái, Venezuela thậm chí đang đối mặt với nguy cơ phá sản do không còn tiền để thanh toán các món nợ vay ở nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế tại phố Wall cho rằng nguy cơ có trở thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào giá của dầu thô.

Ông Alberto Ades - Kinh tế trưởng Ngân hàng Bank Of America, New York, Mỹ - cho biết: “Giá dầu sẽ tiếp tục giảm và giảm đến bao giờ? Có một số chuyên gia tin rằng, có thế giá dầu sẽ quay đầu hồi phục vào nửa cuối năm 2015 này. Nhưng nếu điều đó không diễn ra thì sao? Một số các nền kinh tế mới nổi là các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt là Nga, Venzuela sẽ khó có thể chịu đựng nổi. Và lúc đó, chẳng ai có thể dám chắc rằng mình ngoài tầm ảnh hưởng”.

Nhưng dầu thô không phải là tất cả. Một đợt tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ FED trong năm nay cũng là điều các thị trường mới nổi phải trông chừng.

Ông Alberto Ades - Kinh tế trưởng Ngân hàng Bank Of America, New York, Mỹ - cho hay: “Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng quá mạnh, chúng ta sẽ phải chuẩn bị kịch bản rằng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự đoán. Lúc đó, những luồng vốn nóng được đổ vào thị trường mới nổi sẽ bị rút ra. Và chẳng ai đoán được họ sẽ rút bao nhiêu”.

Trước hàng loạt các thách thức kể trên, nhiều người đã đặt câu hỏi: "Liệu châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng nhiều từ những biến động hiện nay hay không?". Theo đó, ông Bart Van Ark - Kinh tế trưởng Tổ chức Nghiên cứu Môi trường kinh doanh Conference Board, New York, Mỹ - chia sẻ: “Kinh tế Trung Quốc giảm mạnh, chẳng ai có thể nói tôi không sao cả. Tuy nhiên, với các nền kinh tế nội tại đang vững hoặc đang có những cải tiến như Ấn Độ, họ có thể tránh được ảnh hưởng. Việt Nam cũng thế. Các bạn đang cải tiến môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, trở thành một nền kinh tế mở, thông thoáng. Các bạn cũng có thể chống đỡ được những ảnh hưởng từ biến động hiện nay, tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế mới nổi đều đang chìm như nhận xét của một số các chuyên gia trên phố Wall. Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Bank of America, nền kinh tế mới nổi trong năm 2015 này sẽ tăng được 4,5% từ mức 4,2% của năm ngoái.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước