Cụ thể, thị trường nhạc số tăng trưởng 6,9% so với năm 2013, chiếm 6,9 tỷ USD, tương đương 46% tổng doanh thu ngành âm nhạc toàn cầu, theo báo cáo từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI). Doanh thu từ đĩa CD, vinyl và các định dạng thực chất khác cũng chiếm 46%, số còn lại thuộc về doanh thu từ các đoạn phim, quảng cáo. Tuy nhiên, tổng doanh thu của thị trường âm nhạc trong năm qua sụt giảm 0,4 %.
Ca khúc Happy của Pharrell Williams là đĩa đơn được tải về nhiều nhất trên toàn cầu, trong khi Taylor Swift được công nhận là nghệ sĩ nổi tiếng nhất, IFPI cho biết.
Một chi tiết đáng chú ý khác là doanh thu từ đĩa vinyl tăng 54,7% trong năm qua, chiếm 2% tổng doanh thu toàn cầu.
Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu năm ngoái đạt tổng giá trị 14,97 tỷ USD, giảm 0,3 tỷ USD so với năm 2013. Mặc dù tốc độ suy giảm đã chậm lại kể từ giữa những năm 2000, đây vẫn là năm thứ 2 liên tiếp người ta chứng kiến doanh thu âm nhạc xuống dốc, đồng nghĩa với việc sự tăng trưởng nhẹ của ngành công nghiệp này năm 2012 (0,3%) chỉ là một hiện tượng nhất thời.
Một số thị trường lớn khác hứng chịu sự sụt giảm doanh số bán hàng bao gồm Pháp (giảm 3,4%) và Anh (giảm 2,8%). Tuy vậy, giá trị của ngành âm nhạc tại Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới tăng 2,1%. Tại Nhật Bản, doanh thu kỹ thuật số lần đầu tiên tăng trong vòng 5 năm qua, khi các dịch vụ nhạc trực tuyến tìm được một chỗ đứng vững chắc hơn.
Nhìn chung, trong năm ngoái, lượng thuê bao đăng ký trên các trang web nghe nhạc trực tuyến như Spotify và Deezer tăng mạnh, khoảng 39%, đạt 1,57 tỷ USD, nhân tố phần nào bù đắp lại sự sụt giảm của doanh thu tải nhạc, chủ yếu từ dịch vụ iTunes của Apple, giảm 8% trong năm 2014.
Những tiềm năng chưa được khai thác
IFPI ước tính, trong 100 triệu người sử dụng dịch vụ trực tuyến, mới chỉ có 41 triệu dùng thuê bao tính phí, số còn lại là miễn phí. Báo cáo thường niên về nhạc số của họ cũng nhận định, "số lượng thuê bao tính phí có tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng chưa được khai thác hết”. Thị trường này vẫn đang tiếp tục mở rộng, với sự ra đời của những dịch vụ nghe nhạc trực tuyến mới, như Tidal.
"Tôi nghĩ rằng, trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến doanh thu nhạc số vượt qua doanh thu từ các sản phẩm âm nhạc truyền thống. Nhạc trực tuyến đang dẫn đầu trong thị trường kỹ thuật số và chúng ta có thể mường tượng ra thời điểm mà kỹ thuật số sẽ chiếm đa số trong ngành âm nhạc ", Giám đốc Điều hành IFPI Frances Moore cho biết.
Edgar Berger, Giám đốc điều hành của Sony Music nói thêm: "Ngành công nghiệp này đã chuyển đổi mô hình, từ sở hữu một sản phẩm ở dạng vật chất sang truy cập (từ Internet). Tôi chưa thấy bất cứ điều gì có tiềm năng vượt qua được trực tuyến. Vì vậy, đây có thể sẽ là cái đích cuối cùng".