Sau 5 năm kiểm định hồ sơ và quy trình trồng xoài, Nhật Bản đã chính thức mở cửa để xoài Cát Chu của tỉnh Đồng Tháp được nhập khẩu vào thị trường này.
Để trái xoài Cát Chu vào được Nhật Bản, người nông dân phải chuyển đổi trồng xoài từ mô hình tự phát sang tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Trái xoài sau thu hoạch được kiểm tra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mầm bệnh và phải được bọc lại trước khi hái. Nhật Bản cũng cấp phép cho 4 công ty xử lý xoài Cát Chu bằng hơi nước nóng, trước khi đóng gói để sang Nhật Bản.
Có thể nói việc xuất khẩu xoài Cát Chu là tin vui với người trồng xoài Đồng Tháp. Để có được điều này, vùng trồng xoài nơi đây đã phải trải qua cả một quá trình thay đổi cả về tư duy và thói quen canh tác để trồng xoài theo hướng chất lượng cao.
Bao trái chỉ là một trong số rất nhiều quy trình trồng và chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP mà người trồng xoài Cao Lãnh bắt buộc phải thực hiện từ hơn 10 năm nay. Không những thế, người dân nơi đây còn phải thay đổi cả cách bảo quản phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như phải có kho chứa riêng, đồng thời chỉ sử dụng các loại thuốc trừ sâu cho phép.
Hơn 20 ha xoài tại Đồng Tháp đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP. Tiêu chuẩn này được coi như “giấy thông hành” cho phép trái xoài Đồng Tháp đi sang Hàn Quốc, New Zealand và bây giờ là Nhật Bản.
Như vậy, sau trái thanh long, xoài là trái cây thứ hai của Việt Nam vào thị trường Nhật. Tiếp theo là măng cụt và vú sữa, hai loại trái cây đặc sản Nam bộ cũng đang triển khai trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP để có thể xâm nhập vào những thị trường lớn và khó tính trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!