Thị trường chứng khoán đang nóng lên với thông tin dư nợ vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã lên tới 20.000 tỷ, tăng 40% so với đầu năm.
Hiện tại, cứ 10 nhà đầu tư có tới 6 người sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính và 20.000 tỷ là con số mà theo các công ty chứng khoán, nhà đầu tư đã vay của họ để mua cổ phiếu.
Anh Nguyễn Huỳnh Anh Tuấn, một nhà đầu tư tại Hà Đông cho biết 90% số lệnh đặt mua của anh đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Bạn bè anh cũng vậy, cứ thấy công ty chứng khoán nào có tỷ lệ cho vay cao, nhiều ưu đãi về lãi suất là họ lại tìm đến.
Thích thú với công cụ này nhưng anh Tuấn cũng hiểu nó không khác gì ‘con dao hai lưỡi’ bởi lợi nhuận có thể gấp 2-3 lần nhưng cũng có thể âm vốn, cháy tài khoản.
Khi dư nợ margin quá cao, thị trường cũng khó tăng mạnh vì bản thân các nhà đầu tư phải chịu áp lực bán chốt lời, cứ có lãi là bán vội, kể cả bán khống trước khi cổ phiếu về đến tài khoản.
Bài học quá khứ tại các công ty chứng khoán Tràng An, chứng khoán Sacombank, chứng khoán Thăng Long vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều nhà đầu tư vẫn từng ngày từng giờ trải nghiệm sự thua lỗ của việc dùng đòn bẩy nhưng không phải ai cũng có thể tự bước qua ranh giới giữa lòng tham và sự tỉnh táo.
Đâu là ranh giới an toàn giữa lòng tham và sự tiết chế để quản lý rủi ro khi dùng đòn bẩy tài chính? Đây không chỉ là dấu hỏi cho các nhà đầu tư mà còn là bài toán dành cho các công ty chứng khoán.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!