Giá cả hàng hóa sẽ ổn định trong dịp Tết

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 25/01/2015 06:33 GMT+7

Ảnh minh họa

Theo nhận định của Bộ Tài chính, giá cả hàng hóa trong dịp cuối năm này có xu hướng tương đối ổn định.

Những tháng cuối năm, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, giá cả và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi về những giải pháp của Bộ Tài chính nhằm bình ổn giá trong dịp này.

Thưa ông, Bộ Tài chính nhận định như thế nào về diễn biến thị trường đặc biệt là giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết này?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo nhận định của Bộ Tài chính, giá cả hàng hóa trong dịp cuối năm này có xu hướng tương đối ổn định. Chúng tôi cho rằng, để đạt được điều này thì có một số nguyên nhân như các địa phương đã chủ động trong phương án bình ổn giá, đặc biệt là chương trình bình ổn giá, dự trữ hàng hóa, chuẩn bị các chuyến hàng cho dịp Tết rất tốt.

Bên cạnh đó, giảm giá dầu liên tục thời gian qua đã có ảnh hưởng tích cực đến thị trường đồng thời, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các bộ ngành liên quan điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước còn định giá nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, loại trừ yếu tố lạm phát, không ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý mua sắm.

Có thể nói, đây là các yếu tố tích cực ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường trong 2014 cũng như dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới.

Vậy để tránh tình trạng thiếu hàng, “sốt” giá có thể xảy ra, Bộ Tài chính đã có những biện pháp gì nhằm bình ổn thị trường?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22/12/2014 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 6/1/2015 trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng, tài chính địa phương với chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện các nhiệm vụ.

Ví dụ như, Giám đốc Sở Tài chính phải theo dõi hàng hóa để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố có các phương án cụ thể để các cấp chính quyền địa phương thực hiện bình ổn giá, đặc biệt trong dịp Tết thường xảy ra việc thiếu hàng, "sốt" giá cục bộ, đồng thời có những phương án nhất định để có thể bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bên cạnh đó, giao cho các cơ quan chức năng như Hải quan, Thuế thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các đơn vị dự trữ lo các phương án dự trữ hàng, tránh hiện tượng thiếu hàng, "sốt" giá, nhất là tại các vùng sâu vùng xa khó khăn, đảm bảo Tết cho đồng bào được đầy đủ.

Giá cước vận tải cũng là một vấn đề được người dân rất quan tâm trong dịp Tết. Giá xăng dầu giảm mạnh trong nửa năm qua, Bộ Tài chính đã liên tục có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm giá. Nhưng dường như mức giảm giá vận tải chưa tương xứng với mức giảm xăng dầu, hay có nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện giảm giá. Xin ông cho biết, Bộ Tài chính sẽ có hướng xử lý như thào?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngay khi giá xăng dầu có xu hướng giảm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện theo dõi sát các mặt hàng mà xăng dầu có tác động như giá cước vận tải.

Bộ trưởng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cũng như đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải theo xu hướng giảm giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo thành lập các đoàn thanh, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện quản lý về giá theo sự phân công của Chính phủ. Vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa phương và đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc kê khai giá các hãng vận tải để thực hiện kê khai giảm giá theo xu hướng giảm giá xăng dầu.

Sắp tới, Bộ trưởng chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra trọng điểm các doanh nghiệp, các địa bàn trọng điểm để thực hiện việc nếu các doanh nghiệp chây ỳ chưa kê khai giá để giảm giá thì sẽ xem xét để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đối với những doanh nghiệp đã kê khai giảm rồi nhưng nếu giá xăng dầu vẫn giảm sâu thì cần phải xem xét đánh gía tính toán để kê khai lại nhằm giảm giá cho phù hợp với mặt bằng, nguyên liệu, các chi phí đầu vào có tác động đến giảm giá cước vận tải.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước