Tháng 3, giá cà chua tại Brazil đã tăng tới 122% so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người phẫn nộ bởi không hiểu tại sao giá một nông sản trồng ở xứ nhiệt đới lại có thể cao hơn vùng băng tuyết Alaska của Mỹ.
Dường như từ lâu đã tồn tại hai chính sách phát triển nông nghiệp ở Brazil: Nông sản xuất khẩu sử dụng mô hình công nghệ mới, năng xuất cao còn những trang trại cung cấp nông sản nội địa thì quy mô nhỏ và thường được điều hành bởi hộ gia đình.
Một trong những vấn đề mà các trang trại nhỏ đang phải đối mặt là thiếu lao động. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, các công ty dịch vụ đã thu hút lao động phổ thông từ các trang trại bằng cách cung cấp cho họ nhiều quyền lợi tốt hơn và khối lượng công việc nhẹ hơn. Điều kiện làm việc thường trong phòng có điều hòa nhiệt độ, chứ không phải dưới ánh nắng.
Anh Cyro Cury, nông dân trồng cà chua ở Sao Paolo nói: “Chính tình trạng khan hiếm lao động tạo ra sự sa sút về năng suất, dẫn đến giá thành nông sản bị đẩy lên quá cao so trước đây”.
Anh Cury cho biết thêm, bây giờ anh không thể thuê thêm nhân công trồng cà chua dù mức lương trả cho họ lên tới 500 USD/tháng.
Giống như các nước đang phát triển khác, lương thực vẫn chiếm tới 22% trong giá tiêu dùng của Brazil.
Bà Tatiana Pinheiro, nhà kinh tế của ngân hàng Santander tại Sao Paulo cho rằng: “Lạm phát giá thực phẩm, chi phí của hộ gia đình đã tăng tới 15% trong vòng 12 tháng”.
Trong một nỗ lực xoa dịu nỗi lo của người dân, chính phủ Brazil đã xóa bỏ các loại thuế đánh lên cây lương thực và giảm giá điện để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nhiều người Brazil đã phàn nàn về sức mua của họ đã suy yếu nghiêm trọng, khi từng tuần họ chứng kiến giá cả leo thang. Nếu như trước đây, một gia đình ở Rio de Janeiro chỉ cần đem khoảng 50 Reais (25USD) khi đi chợ, thì nay phải họ phải chi tiêu gấp 3 mới đáp ứng đủ nhu cầu.