Nghị định 187 của Chính phủ ghi rất cụ thể rằng các hàng hóa đã qua sử dụng như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép... là hàng cấm nhập khẩu hoàn toàn nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn rất sẵn tại thị trường hàng gia dụng đã qua sử dụng với số lượng không hạn chế.
Tại TP.HCM, các công ty có treo biển tên đàng hoàng nhưng công khai bày bán hàng cấm nhập khẩu như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... đã qua sử dụng.
Không phải những người kinh doanh không biết đây là hàng cấm nhập khẩu nhưng theo chủ một cửa hàng ở quận Gò Vấp, muốn mua bao nhiêu cũng đáp ứng được, có điều phải kín đáo vì dù buôn bán "cò con" vẫn có thể bị bắt.
Những người bán cũng cho biết loại hàng gia dụng này ở nước ngoài là hàng định kỳ phải thải loại. Thậm chí ở Nhật còn phải trả tiền để được cho vào bãi rác. Thế nên, những đầu nậu đi thu gom gần như không mất tiền mà có thể chỉ mất tiền vận chuyển về Việt Nam.
Thực tế, hàng cấm là hàng nhập lậu, không kê khai hải quan, không phải đóng thuế. Mặc dù có mất chi phí để đưa hàng cấm về Việt Nam nhưng chúng vẫn được bán ra thị trường với giá xấp xỉ hàng mới cho những người có tâm lý sính "hàng nội địa".
Việc trả tiền cho những món hàng cấm, trả tiền cho những hàng hóa có thể gây ra ô nhiễm môi trường, trả tiền gấp nhiều lần giá trị thật của những món hàng được coi là "phế liệu" của người tiêu dùng hiện đang góp phần tiếp tay cho hoạt động buôn lậu hàng cấm về Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!