“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới?

PV-Thứ ba, ngày 03/09/2024 09:01 GMT+7

VTV.vn - Theo Wall Street Journal, sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “Loud Budgeting" (tiết kiệm ồn ào) bắt đầu nở rộ.

Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, khi mọi chi phí, giá cả tăng chóng mặt, nhóm người tiêu dùng trẻ - nhất là Gen Z - đã lựa chọn thẳng thắn với khả năng tài chính của bản thân và ngừng việc chi tiêu cho các mặt hàng quá xa xỉ. Những người có ngân sách không quá dư dả quyết định sống tiết kiệm hơn và tự hào về điều đó, góp phần hình thành nên xu hướng mua sắm có chủ đích trên diện rộng.

Loud budgeting - Một kiểu "ồn ào" có ích

Với xu hướng "tiết kiệm ồn ào" (loud budgeting), người trẻ sẵn lòng nói "không" một cách công khai với những thứ không cần thiết, mặt khác sẵn sàng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho những gì thực sự xứng đáng với bản thân.

Ngọc Hân (23 tuổi, Đà Nẵng) cho biết trước đây, mỗi khi lướt mạng xã hội thấy những phiên live túi xách, quần áo hoặc giày dép, cô nàng thường bấm vào xem và cứ thế chốt đơn, mặc dù biết những ngày sau sẽ phải ăn mì tôm qua ngày. Có nhiều sản phẩm cô mua về nhưng chưa dùng đến, nhưng khi lướt mạng thấy món đồ nào đẹp, Hân lại tiếp tục đặt hàng.

Cho đến khi phòng tủ quần áo quá tải, sức khỏe có phần đi xuống và tài khoản "cạn kiệt", Hân giật mình nhận ra mình đã mua nhiều hơn những thứ mình thực sự cần. Cô nàng 2X đi đến quyết định thanh lý hơn một nửa số đồ hiện có trên trang Facebook cá nhân, đổi lại cô mua các sản phẩm bồi bổ cơ thể và học cách "cân đo đong đếm" mỗi khi xuống tiền.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới? - Ảnh 1.

Cân đối chi tiêu, mua sắm có chủ đích là cách Gen Z “tiết kiệm ồn ào” (Ảnh minh hoạ)

Bán chiếc máy ảnh lâu ngày không dùng để đổi lại tiền đầu tư cho máy hút ẩm, hay giảm bớt những cuộc gặp gỡ bạn bè không chủ đích để tiết kiệm một cách tối đa, kể từ đầu năm, Nguyễn Minh Huy (28 tuổi, Hà Nội) đã kiên định xây dựng một lối sống mới dù cho hành trình này đánh đổi bằng sự "cô đơn".

"Với lối sống mới, mình bớt đi một số người bạn khi từ chối các lời mời đi chơi. Mình cũng tắt bớt thông báo từ mạng xã hội để tránh cảm giác FOMO (hội chứng bỏ lỡ cơ hội)", Huy nói.

Để dành thời gian, tiền bạc, tâm sức cho các khoản chi tiêu thật sự xứng đáng cũng là cách mà Mai Nguyên Phương (25 tuổi, Hà Nội) đang áp dụng. Thay vì mua sắm nhiều lần trong một tháng, Phương sẽ gộp mua nhiều thứ trong một lần, cùng với đó là hạn chế mọi chi tiêu đắt đỏ hoặc vượt quá thu nhập.

"Em bắt đầu so sánh giá nhiều hơn khi mua mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử, hoặc thay thế bằng sản phẩm của hãng khác có cùng hàm lượng dưỡng chất hoặc chất lượng tương đương để cho vào giỏ hàng thay vì chỉ đâm đầu vào mua món đắt", Nguyên cho biết.

Gen Z xem thương mại điện tử là điểm khởi đầu cho hành trình mua sắm

Quý 2 năm nay, Shopee và đơn vị khảo sát Kantar Profiles công bố kết quả khảo sát về hành vi mua sắm của Gen Z Việt Nam (được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012), chỉ rõ sự thay đổi trong hành vi mua sắm từ bốc đồng sang có chủ đích của thế hệ này.

Theo đó, 2/3 Gen Z xem các nền tảng thương mại điện tử là điểm khởi đầu cho hành trình mua sắm của họ, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào các nền tảng này để tìm hiểu về sản phẩm trước khi mua. Đáng chú ý, một nửa số người tham gia khảo sát ban đầu chọn tìm hiểu sản phẩm trên các nền tảng thương mại xã hội nhưng sau đó quay trở lại các nền tảng thương mại điện tử để hoàn tất giao dịch.

Khảo sát cũng cho thấy, cứ 2 Gen Z sẽ có 1 người dành ít nhất 5 ngày để tìm hiểu về sản phẩm trước khi mua, bao gồm đọc đánh giá (26%), xem video giới thiệu sản phẩm (20%) và tìm kiếm thông tin giá cả.

"Mấy món linh tinh mua trên mạng về không phải món nào cũng xài được nên bây giờ mình chăm đọc review hơn để mua món nào đáng tiền món đó luôn", Anh Quân (24 tuổi, TP Hồ Chí Minh) nói.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới? - Ảnh 2.

Gen Z vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn thương mại điện tử, nhưng cách mua sắm trở nên có chủ đích hơn

Trước đó, báo cáo Xu hướng Tài chính 2023 của Decision Lab chỉ rõ người Việt đang ngày càng thận trọng hơn với tình hình tài chính cá nhân. Có 50% người ưu tiên hàng đầu cho tiết kiệm và 48% muốn đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình trước tình huống khẩn cấp, tăng lần lượt 10% và 15% so với năm trước.

Năm 2024, người dùng vẫn sẽ duy trì thái độ tài chính thận trọng với 54% lựa chọn tiết kiệm nhiều hơn nữa. Tâm lý và hành vi này đã thúc đẩy các xu hướng tiêu dùng có chủ đích như: lối sống "tiết kiệm ồn ào" (loud-budgeting) ngược lại với lối tiêu dùng "xa xỉ thầm lặng" (quiet-luxury) hay thói quen quản lý chi tiêu và tiết kiệm trên cùng một ứng dụng di động…


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước