Đây là năm thứ 11, Forbes Việt Nam đánh giá, đưa ra danh sách này và FPT là một trong số các doanh nghiệp hiếm hoi liên tuc có mặt trong bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của công ty đang niêm yết tại sở Giao dịch TP HCM (HSX) và sở Giao dịch Hà Nội (HNX). Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2023, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng.
Theo nhận định của Ban tổ chức, danh sách năm 2023 không có nhiều tên tuổi mới so với danh sách những năm gần đây. Năm 2022 lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nói chung và danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất nói riêng đạt kỷ lục. Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỉ đồng, tăng 24,9%.
"Đây là năm liên tiếp thứ 11 FPT nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Năm 2022 cũng ghi nhận điểm sáng nhất trong lịch sử phát triển của FPT: doanh số dịch vụ IT ký mới với các thị trường nước ngoài cán mốc 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 40% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số cũng tăng mạnh 33%, đạt 7.349 tỷ đồng. FPT hướng tới 1 triệu khách hàng trong nước và hưởng lợi từ việc chính phủ giải ngân đầu tư chuyển đổi số các dự án công", Forbes Việt Nam viết.
Năm 2022, khối Công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 43,9% lợi nhuận trước thuế; khối Viễn thông đóng góp 36,7% lợi nhuận trước thuế. Việc mở rộng quy mô thị trường quốc tế được đẩy mạnh, nổi bật là thương vụ mua lại mảng dịch vụ IT của Intertec International (Mỹ). Năm 2022, FPT cũng công bố ra mắt sản phẩm chip bán dẫn ứng dụng trong lĩnh vực y tế, khởi công Tổ hợp Giáo dục FPT UniSchool tại Hà Nam, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2023. Năm 2022 cũng chứng kiến hệ thống giáo dục FPT Education vượt mốc 100.000 người học trên toàn hệ thống.
Công ty cũng liên tục duy trì mức chi trả cổ tức trên 30% trong hơn một thập kỷ qua. Mới đây nhất công ty đã chi trả cổ tức còn lại của năm 2022 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 1.000 đồng) và 15% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:3). Với 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT cần chi khoảng 1.100 tỷ đồng tiền mặt để thanh toán cho cổ đông và phát hành gần 166 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của FPT cho cổ đông là 35% (20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu).
4 tháng đầu năm 2023, FPT tiếp tục tăng trưởng bền vững với doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt lần lượt 15.749 tỷ đồng và 2.880 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 21,2% và 19,1%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.019 tỷ đồng và 1.841 đồng, tăng 20% và 19,3%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!