Chuyên mục

Bỗng nhiên nhận lãi "khủng": Cơ hội "từ trên trời" hay rủi ro tiềm tàng?

VTV Digital - 24/11/2020 - 18:37 - Tiêu dùng

VTV.vn - Lợi dụng vào lòng tin của những nhà đầu tư, các mô hình đầu tư tiền nhận lãi khủng "mọc lên như nấm" và người tham gia vẫn cứ có nguy cơ tiếp tục "tiền mất tật mang".

Trong các bản tin gần đây, phóng viên VTV Digital đã liên tục phản ánh tình trạng các nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền vì ham lãi “khủng” mà đã bỏ tiền vào các ứng dụng như tailoc888 hay là mô hình ủy quyền mua thiết bị quảng cáo của Công ty HP 102 Việt Nam. Truyền thông đã liên tục cảnh báo, nhưng các mô hình như thế này vẫn cứ mọc lên như nấm, và những người tham gia vẫn có nguy cơ tiếp tục bị mất tiền. 

Tiếp nối các mô hình lừa đảo, một mô hinh mới nổi gần đây mang tên King of Invest, được quảng cáo đến từ Australia. Được biết, chỉ cần đầu tư vào dự án, một tháng nhà đầu tư sẽ nhận về lãi lên tới 30%, khoảng 360% 1 năm. Người tham gia chỉ cần bỏ từ 200 USD tới 30.000 USD ký gửi vào dự án, hàng tháng tiền lãi khủng sẽ tự đổ về tài khoản. 

Điều đáng bàn là việc bỏ tiền vào dự án này hoàn toàn không có giấy tờ gì chứng minh. Người tham gia đưa tiền cho các đối tượng môi giới và sau đó được cấp 1 tài khoản để giao dịch. Theo các luật sư, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bỗng nhiên nhận lãi khủng: Cơ hội từ trên trời hay rủi ro tiềm tàng? - Ảnh 1.

Chỉ sau 1 thời gian ngắn, những người tham gia đã không nhận được lãi và hoa hồng như cam kết ban đầu, có nguy cơ mất trắng tiền đầu tư gốc.

Chỉ sau 1 thời gian ngắn, rủi ro xuất hiện khi những người tham gia đã không nhận được lãi và hoa hồng như cam kết ban đầu. Thậm chí tiền đầu tư gốc cũng có nguy cơ mất trắng.

Trao đổi với phóng viên, thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết Bộ đã chỉ đạo các cục C02, C03, A05 phối hợp thu thập thông tin, điều tra về dự án này. Còn đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cũng cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn thư của nhiều người tham gia dự án King of Invest và đang tiếp tục xác minh điều tra.

Bộ Công an nhận định, những dự án có dấu hiệu tương tự như King of Invest, đều không có sản phẩm thật, mà chỉ tổ chức sự kiện hoành tráng để thu hút người tham gia. Mô típ sẽ là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Khi mà hệ thống phình to không có khả năng chi trả, các đối tượng đánh sập hệ thống, chiếm đoạt tiền của những người tham gia. Những người tự xưng là đứng đầu cũng có mối liên hệ, liên quan đến một số vụ việc kinh doanh đa cấp lừa đảo trước đó mà Bộ công an đã, đang điều tra.

Những người đứng đầu các mô hình, dự án có dấu hiệu lừa đảo lại có liên quan đến nhau. Điều này cho thấy, các đối tượng hoạt động một cách rất chuyên nghiệp, bài bản. Và luôn luôn có phương án sẵn sàng, để khi mô hình này sập, lại có mô hình khác được vẽ ra, lại tiếp tục "moi" tiền của những người tham gia nhẹ dạ cả tin. Nếu những người tham gia vẫn cứ không tìm hiểu kỹ, vẫn cứ dốc tiền vào các dự án kiểu như thế này chỉ vì lãi khủng, nguy cơ mất tiền tương tự như ở trên sẽ vẫn còn xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

VTV Digital

Cùng chuyên mục

XEM

8 mẹo tiết kiệm tiền bạn nên biết

VTV.vn - Nếu bạn chưa có khả năng kiếm nhiều tiền hơn, hãy bắt đầu bằng cách tiết kiệm tiền.

Giải mã cơn sốt KOC: Sức hút từ tính "chân thật"

VTV.vn - Khi ngày càng có nhiều nội dung UGC (nội dung do người dùng tạo ra) được tài trợ từ các thương hiệu để phủ sóng trên mọi nền tảng thì tính chân thực có còn được đảm bảo?