VTV.vn - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng trái cây năm nay ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 7% so với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có dấu hiệu tăng giá trị nhập khẩu trái cây Việt Nam thì Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ đạo với tỷ trọng chiếm gần 70%, lại giảm 14% so với năm ngoái, do có nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Do đó, để giúp thị trường này tăng trở lại với hai con số mỗi năm, sản phẩm trái cây phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc là yêu cầu tất yếu.
Chuối là một trong các loại trái cây theo lộ trình sau mít và dưa hấu thực hiện truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thay vì phải tự đăng ký thông tin, kê khai sản phẩm, bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia để kết nối với Tập đoàn Chứng nhận và Giám định Trung Quốc CCIC thực hiện triển khai đánh giá mã vùng, mã xưởng.
Theo đó, thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ thống nhất từ vòng đời của sản phẩm như nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu và đến tay người tiêu dùng. Nếu trước đây, để thông quan qua cửa khẩu mất khoảng 3 - 4 tiếng để kiểm tra hàng hoá, bây giờ giảm chỉ còn 5 phút vì việc truy xuất nguồn gốc đã hoàn thành ngay tại vườn.
Theo lộ trình sau 9 loại trái cây, trong năm 2020, thuỷ sản sẽ tham gia truy xuất nguồn gốc. Cũng theo CCIC, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát mã vùng trồng, mã xưởng. Vì vậy các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đang có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc cần cập nhật thông tin để kịp thời nắm bắt tình hình tránh những rủi ro cho sản phẩm của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!