VTV.vn - Ước tính năm nay sẽ có 270 triệu người rơi vào tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng, dù là nước nghèo hay nước giàu đều có chung cơn "đói".
Đại dịch COVID-19 như giọt nước tràn ly khiến cuộc sống của nhiều người trở nên nghèo đói hơn khi số người rơi vào tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng dự báo tăng 80% so với năm 2019.
Báo cáo tóm tắt mới đây của Oxfam đã chỉ ra tới 10 quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng về khủng hoảng lương thực từ dịch COVID-19, chủ yếu đến từ Trung Đông, châu Phi và cả Venezuela. Ngay cả một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, cũng đứng trước nhiều rủi ro trong vấn đề này do dịch bệnh lan rộng.
Không chỉ các nước đang phát triển và chưa phát triển, tại một số quốc gia đứng đầu thế giới cũng đang phải chịu cảnh đói ăn do dịch COVID-19. Tại Pháp, nhiều nhân viên thời vụ, khách sạn, du lịch hay sinh viên đang bị đẩy vào cảnh không thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và phải trông cậy vào thực phẩm cứu trợ.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 8 triệu người Pháp cần hỗ trợ thực phẩm, trong khi nhiều ngân hàng thực phẩm tại đây cho biết chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với sự gia tăng này. Nhiều tổ chức nhận định, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại vào mua thu, tình trạng thiếu đói sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Tương tự như vậy, Mỹ cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát các trung tâm hỗ trợ bữa ăn do Feeding American điều hành, hơn 80% các trung tâm này đều chứng kiến sự gia tăng khoảng 50% số lượng người yêu cầu trợ giúp bữa ăn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ổ dịch COVID-19 bùng phát tại các nhà máy chế biến thịt trên khắp đất nước, gây ra tình trạng thiếu hụt. Thêm vào đó, lao động nước ngoài cũng không thể đến Mỹ để tham gia thu hoạch ngũ cốc.
Hãy cùng đón xem bản tin Tiêu dùng 24h phát sóng vào 10h hàng ngày trên VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!