Chuyên mục

Mô hình vận chuyển hành khách đô thị bùng nổ: Lợi hay hại?

VTV Digital - 30/11/2020 - 14:40 - Tiêu dùng

VTV.vn - Việc các hãng xe tham gia vận tải khiến việc việc đi lại của người dân nhanh, tiện và rẻ hơn. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới 1 cuộc khủng hoảng thừa xảy ra.

Với việc có ngày càng nhiều các hãng xe, các phương tiện tham gia vận tải khiến cho việc đi lại của người dân cũng ngày một tiện hơn, nhanh hơn và cả rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, cái gì “nhiều quá thì cũng không tốt”. Điển hình như tại TP.HCM, theo quy hoạch, năm 2020, có khoảng 15.000 xe taxi, nhưng trên thực tế, tổng số taxi truyền thống và taxi công nghệ hiện đã cao hơn gấp 3 lần. 

Nhiều lái xe công nghệ sẵn sàng chạy 12 tiếng/ngày, thậm chí nhiều hơn để đảm bảo thu nhập. Vấn đề là lượng xe ôm, taxi truyền thống cộng với các loại xe công nghệ hiện nay quá đông. Cộng thêm ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khách du lịch giảm, dù muốn chạy cũng không đủ khách để chạy.

Mô hình vận chuyển hành khách đô thị bùng nổ: Lợi hay hại? - Ảnh 1.

Nhiều lái xe công nghệ sẵn sàng chạy 12 tiếng/ngày để đảm bảo thu nhập.

Tại thời điểm hiện tại, theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có khoảng 14.500 xe taxi. Nhưng trên thực tế, cộng cả taxi truyền thống và các loại hình xe công nghệ hoạt động tương tự taxi, có khoảng 51.600 xe đang đăng ký hoạt động - đã vượt quy hoạch gấp 4 lần. Chưa kể, còn nhiều xe từ các tỉnh thành liền kề như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu... không đăng ký ở TP.HCM nhưng vẫn thường xuyên đổ về đây đưa đón khách. Ngoài ra, một số lượng rất lớn xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ chưa thể thống kê hết được.

Nhưng sự phát triển của các phương tiện vận tải mà không có mục tiêu, kế hoạch quản lý rõ ràng sẽ dẫn đến những hệ lụy thấy rõ. Đối với những tài xế đã trót vay ngân hàng, mua xe để kiếm sống thì cũng đau đầu với số nợ phải trả.

Hầu hết những người tham gia vào các hợp tác xã vận tải hay taxi công nghệ đều vay ngân hàng hoặc mua xe trả góp. Gặp lúc khó khăn như hiện nay, nhiều người muốn rút ra cũng không được. Bởi bán xe chắc chắn lỗ, mà đã đi lái xe chở khách, khoản nợ vài trăm triệu với nhiều người hẳn là không nhỏ.

Mô hình vận chuyển hành khách đô thị bùng nổ: Lợi hay hại? - Ảnh 2.

Sự phát triển của các phương tiện vận tải mà không có mục tiêu, kế hoạch quản lý rõ ràng sẽ dẫn đến những hệ lụy thấy rõ.

Theo thông tin từ các hãng xe, mỗi năm có khoảng 800.000 ôtô phân khúc thấp được bán ra tại Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, đã có khoảng 50.000 tỷ đồng được hằng trăm ngàn hộ gia đình đầu tư mua xe để kinh doanh chở khách.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống cũng đang vất vả. Cung vượt cầu, xe đang chạy cũng phải tạm ngưng.

Ngoài lãng phí nguồn lực xã hội, sự bùng nổ các phương tiện vận tải hành khách đô thị còn gây sức ép rất lớn lên hạ tầng giao thông. Các xe này chủ yếu chở khách lẻ, đi ngược lại mục tiêu giảm phương tiện cá nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

VTV Digital

Cùng chuyên mục

XEM

Giải mã cơn sốt KOC: Sức hút từ tính "chân thật"

VTV.vn - Khi ngày càng có nhiều nội dung UGC (nội dung do người dùng tạo ra) được tài trợ từ các thương hiệu để phủ sóng trên mọi nền tảng thì tính chân thực có còn được đảm bảo?

Nhiều tiềm năng phát triển bền vững ngành nguyên liệu F&B tại Việt Nam

VTV.vn - Xu hướng tiêu dùng mới và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang khiến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho ngành F&B.