VTV.vn - Kể từ tháng 4/2020, các DN sẽ phải có lựa chọn lịch sử hoặc trở thành DN công nghệ hoặc phải đăng ký kinh doanh và vận hành như DN vận tải.
Gần 4 năm với 12 lần dự thảo nâng lên, đặt xuống, cuối cùng, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng đã được ban hành. Nghị định này đã thống nhất cách thức quản lý các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, trong đó có mô hình kinh doanh của Grab.
Nếu như Nghị định 86 cũ quy định phải thực hiện cả quá trình thì nay chỉ cần thực hiện ít nhất 1 trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành xe, tài xế hoặc quyết định giá cước sẽ là kinh doanh vận tải. Về mặt hình thức, có vẻ như các doanh nghiệp sẽ cùng được cạnh tranh bình đẳng trên một sân chơi chung.
Quy định được cho là "chung kết" trong nghị định này là việc nếu doanh nghiệp tham gia điều hành giá cước bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lưỡng, các doanh nghiệp đã có thị phần chi phối sẽ không khó để lách qua rào cản này.
Trên thực tế, doanh nghiệp công nghệ có thể ký các thỏa thuận ủy quyền trong việc tính giá cước với các đối tác dựa trên chính công thức của họ. Cuối cùng, với nghị định này, các hãng taxi tưởng được lợi nhưng không hẳn, kết thúc thí điểm có nghĩa là các doanh nghiệp ngoại như Grab cũng không còn giới hạn nào khác trong việc mở rộng.
Theo đánh giá của giới quan sát, từ thời điểm 1/4 tới, có lẽ người thiệt đơn thiệt kép sẽ là các doanh nghiệp gọi xe nội khi họ chưa chiếm được thị phần là bao, khả năng mở rộng cũng không lớn. Còn trên thực tế, cuộc đua taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ tiếp tục và nó sẽ không chỉ giới hạn ở 5 tỉnh thành phố lớn như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!