Chuyên mục

Thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 30%

Trịnh Huyền - 27/06/2020 - 12:08 - Tiêu dùng

VTV.vn - Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này có thể vượt 15 tỷ USD, theo dự đoán của VECOM.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố cho biết, năm 2019 tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử đạt trên 32%. Cả giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%.

Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 30% - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30%.

Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2020, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, thương mại nội địa và quốc tế gián đoạn. Tuy nhiên, theo VECOM, thương mại điện tử có thể phát triển lạc quan nhờ hai tín hiệu.

Trước hết, đại dịch là chất xúc tác làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Người Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến.

Tiếp đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gần như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch. Hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa năm còn lại. Họ cũng hiểu rõ cơ hội mới từ cộng đồng mua sắm đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến.

Thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 30% - Ảnh 2.

Xu hướng tại Việt Nam nằm trong diễn biến chung của khu vực. Visa cho biết, tại châu Á - Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua.

Tính đến năm 2019, theo khảo sát của VECOM, 42% doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng website, giảm nhẹ so với tỷ lệ 44% vào năm 2018. Tuy nhiên, 39% cho biết có bán hàng trên các mạng xã hội (tăng 3%); 17% có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây.

Trong đó, mạng xã hội được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất để bán hàng trực tuyến, với 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao. Tiếp đó là hiệu quả bán hàng thông qua website của doanh nghiệp (26%), ứng dụng di động (20%) và qua sàn thương mại điện tử (19%).

Thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 30% - Ảnh 3.

Tuy nhiên, VECOM chỉ ra rằng, vẫn còn trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

"Thương mại khắp châu Á – Thái Bình Dương chuyển dịch mạnh sang kỹ thuật số trong giai đoạn dịch. Từ việc ngày càng có nhiều người đặt nhu yếu phẩm trực tuyến, đến người dùng tìm kiếm những phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy," ông Chris Clark, Chủ tịch Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói.

Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand đánh giá, trong đại dịch, kênh trực tuyến là một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm. 

Thương mại điện tử năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 30% - Ảnh 4.

"Tôi tin rằng việc chuyển đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai dài hạn", ông cho hay. 

Ông Bernard nhận định, đã có nhiều nhà bán hàng vượt qua đại dịch thành công. Nhưng để đạt được thành công bền vững hơn, họ cần có một tư duy toàn cầu, đồng thời chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để nhận được sự tín nhiệm của khách hàng quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Trịnh Huyền

Cùng chuyên mục

XEM

Nhiều tiềm năng phát triển bền vững ngành nguyên liệu F&B tại Việt Nam

VTV.vn - Xu hướng tiêu dùng mới và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang khiến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho ngành F&B.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới?

VTV.vn - Theo Wall Street Journal, sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “Loud Budgeting" (tiết kiệm ồn ào) bắt đầu nở rộ.