VTV.vn - Tuy tình hình dịch tả lợn châu Phi đang dần được kiểm soát nhưng Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn kiến nghị nhập thêm lợn sống nguyên con để bình ổn giá thịt lợn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trong nước đang dần được kiểm soát. Đến nay, cả nước trên 99% số xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã qua 30 ngày và công bố hết dịch, trong đó:
- Có 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày và công bố hết dịch (trên địa bàn cấp tỉnh hoặc tất cả các huyện, xã trong địa bàn cấp tỉnh).
- Còn 153 xã của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày (trên 95% số xã của 19 tỉnh, thành phố này đã công bố hết dịch).
Như vậy, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau khoảng 12 tháng (Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh sau 17 tháng). Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn
Với tình hình dịch tả lợn và giá thịt lợn tăng cao, tình hình nhập khẩu thịt lợn cũng tăng đột biến.
Từ đầu năm 2020 đến nay (ngày 25/5/2020), có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.270 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga.
Việt Nam nhập khẩu gần 70.000 tấn thịt lợn từ đầu năm 2020
Mặt khác, tổng cộng đã có 19 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu 94.294 con lợn giống. Tính đến ngày 22/5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu được 3.708 con lợn giống (tăng 49% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019). Số còn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên đang được các doanh nghiệp xúc tiến nhập khẩu tiếp.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặm nguy cơ dịch bệnh tái phát.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất, xin chủ trương về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước về Việt Nam để giết mổ. Cụ thể, Để nhập khẩu lợn sống, Cục Thú y và các Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đánh giá hồ sơ và họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Qua đó, hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro, điều kiện vệ sinh và kiểm dịch. Lợn sống nhập khẩu vào VN phải thực hiện quy định cách ly kiểm dịch 30 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!