Cuộc sống của bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long từng một thời gắn bó với xuồng ghe. Khi đường xá được thông suốt thì những phương tiện đường thủy ngày nào cũng ít dần. Từ đó không ít làng nghề đóng ghe xuồng cũng vì thế mà đìu hiu.
Chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ) đã đến nhà của anh Kim Hưng (xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) để tìm hiểu về cách làm mô hình ghe ngo, ghe cà hâu phiên bản nhỏ. Từ bé anh đã được ông bà truyền dạy về văn hóa dân tộc mình nên yêu thích các phương tiện di chuyển trên sông rạch. Mấy năm nay, anh đã bỏ công việc làm tài xế để chuyển sang chế tác mô hình ghe thu nhỏ. Với anh, đây không chỉ là công việc mà còn là đam mê và một phần trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc.
Những nét vẽ tái hiện truyền thuyết trong văn hóa Khmer.
Anh cho biết vốn yêu thích ghe ngo từ rất nhỏ nên có động lực để sáng tạo. Thông thường người thợ tốn từ 4 – 5 ngày mới có thể hoàn thành được phần thô của chiếc ghe. Sau khi phủ sơn, người thợ sẽ vẽ và chạm khắc những đường nét hoa văn để tạo nên sản phẩm hoàn hảo và tinh xảo để trao đến tay của khách hàng.
Vật dụng để làm ghe mini được chọn là cây gỗ tràm bông vàng, cây bình bát do thân gỗ chắc, thịt suông, ít mắt gỗ, nhờ vậy dễ tạo hình dáng thân ghe. Chiếc ghe ngo mô hình thu nhỏ dài từ 1 – 2 m, chiều ngang từ 50 – 80 cm. Riêng ghe cà hâu thì nhỏ hơn với chiều dài 0,8 – 1 m nhưng có mui, tháp như chánh điện trong kiến trúc văn hóa Khmer. Không chỉ tinh xảo trong thiết kế mà những sản phẩm này còn lan tỏa một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Thông qua những sản phẩm thu nhỏ, các bạn trẻ ngày nay sẽ hiểu hơn về công việc và đời sống của cha ông. Đây cũng là cách để du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em tại Việt Nam nói chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!