Anh “vật lộn” với cú sốc hậu Brexit

Hoàng Long (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 28/06/2016 07:23 GMT+7

(Ảnh: AFP)

VTV.vn - Chỉ bốn ngày sau khi khoảng 52% người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), chính trường Anh rơi vào khủng hoảng, kinh tế rối loạn.

Ngày 27/6, Thủ tướng Anh David Cameron đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23/6 vừa qua. Sau cuộc họp, Chính phủ Anh đã nhất trí thành lập một cơ quan dân sự để thực thi đàm phán về việc Anh rời EU. Cơ quan này cũng sẽ cố vấn cho Thủ tướng mới trong quá trình chuyển giao khó khăn khi Anh bắt đầu rời EU.

Ông Philip Hammond, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, cho biết: “Quá trình đàm phán sẽ chỉ bắt đầu khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt. Quyết định của Thủ tướng tiếp theo được đưa ra sau khi quá trình chuyển giao được thực hiện. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra vào thời điểm này”.

Trong khi đó, ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng đã có bài phát biểu đầu tiên sau cuộc trưng cầu dân ý. Bộ trưởng Osborne cho biết, ông đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Trung ương Anh, Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh cùng các tổ chức tài chính lớn ở Anh để tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả của việc Anh rời EU.

Ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh, khẳng định: “Hôm nay, tôi muốn trấn an người dân Anh và cộng đồng quốc tế rằng nước Anh sẵn sàng với đối phó với tương lai trước mắt. Sẽ không như 8 năm trước, hệ thống tài chính của Anh hoàn toàn có thể đứng vững trước những cú sốc mà nó sẽ phải đối mặt. Sau cuộc trưng cầu hôm 23/6 vừa qua, kinh tế Anh sẽ phải có những điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình”.

Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, nước Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị cùng những triển vọng kinh tế không mấy khả quan. Hiện nội bộ Công đảng Đối lập chia rẽ sâu sắc, với việc hàng loạt quan chức trong đội ngũ lãnh đạo của Công đảng đã tuyên bố từ chức, nhằm gây sức ép để lãnh đạo Đảng này - ông Jeremy Corbyn - phải từ chức.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo hậu Brexit, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong 18 tháng tới sẽ giảm 2,75%. Ba nguy cơ chủ yếu đối với nền kinh tế Anh trong thời kỳ hậu Brexit gồm: Các quy định thương mại sẽ không còn giá trị, các công ty cắt giảm vốn đầu tư do tình hình bất ổn kinh tế hậu Brexit và các điều kiện tài chính sẽ phải thắt chặt do sự biến động thất thường của tỷ giá hối đoái, cũng như sự rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước