Một cuộc họp giữa lãnh đạo các nước châu Âu và Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Hôm 13/7, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc cho chương trình cứu trợ Hy Lạp. Hai bên nhất trí về những cải cách cần thiết để thảo luận về gói cứu trợ thứ 3 và về việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được nhưng cũng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết thỏa thuận vừa đạt được về vấn đề nợ của Hy Lạp sẽ mang đến sự ổn định cho khu vực đồng Euro nhưng cảnh báo con đường vẫn còn dài để thực hiện những điều khoản trong thỏa thuận.
Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Điều nước Anh quan tâm là sự ổn định của khu vực đồng Euro. Thỏa thuận này giúp cho sự ổn định của Eurozone nhưng để mọi thứ đi đúng hướng vẫn còn một con đường dài”.
Ngoại trưởng Đức Steinmeier cũng phản ứng thận trọng trước thỏa thuận vừa đạt được, ông cho rằng con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn để có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng với Athens về gói cứu trợ thứ 3.
Ngoại trưởng Đức Frank–Walter Steinmeier cho biết: “Vẫn còn những bước đi khó khăn cần phải vượt qua trong những ngày tới. Bây giờ điều đó phụ thuộc vào Chính phủ, Quốc hội Hy Lạp để khôi phục lòng tin, điều cần thiết đưa ra những quyết định tiếp theo”.
Theo thỏa thuận đạt được, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras chấp thuận các biện pháp cải cách khắc khổ mà Eurozone yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ Euro (96 tỷ USD) - chương trình cứu trợ thứ 3 trong vòng 5 năm.
Vào ngày 15/7 này, Quốc hội Hy Lạp phải thông qua các biện pháp cải cách mà khối Eurozone đưa ra, bao gồm nhiều thay đổi lớn so với đề xuất trước đó của Athens trong lĩnh vực lương hưu, năng lượng, thị trường lao động, cải cách chính quyền và hệ thống tư pháp. Sau đó, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận để có thể bơm tiền giúp Hy Lạp trả nợ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.