Cảnh sát biển châu Âu sẽ tăng tuần tra, đồng thời phối hợp với những nước châu Phi có người ra đi, bắt giữ những kẻ buôn người và phá huỷ tàu thuyền dành để chở người tị nạn. Liên minh châu Âu cũng sẽ hỗ trợ các nước có đường biên giới với Libya ngăn chặn các ngả đường bộ dẫn tới nước này, do nhận thấy đa số người tị nạn châu Phi đều xuống thuyền từ bờ biển Libya. Mục tiêu trước mắt là tìm cách giảm số người liều lĩnh vượt biển.
Ông Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết: “Nếu chỉ tập trung vào việc cứu người trên biển, thì bọn tội phạm vẫn sẽ tiếp tục đưa người lên thuyền. Do vậy, phải có kế hoạch chung chống lại những kẻ buôn người, có sự tham gia không chỉ của các nước châu Âu, còn phải có các nước ven Địa Trung Hải nữa”.
Còn với những người châu Phi đã tới được bờ biển châu Âu và đang bị cầm giữ trong các trại tị nạn, châu Âu sẽ tìm cách để san sẻ gánh nặng với Italy. Người tị nạn sẽ được phân loại nhanh và cưỡng bức trả về nơi họ đã ra đi, với những người đủ điều kiện tị nạn thì cả 28 nước châu Âu sẽ cùng chia sẻ tiếp nhận.
Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 35.000 người tị nạn vượt Địa Trung hải tới châu Âu, trong đó con số nạn nhân chết vì đắm tàu đã lên đến 1.600 người.
Ông Dimitris Avramopoulos, Cao uỷ châu Âu về Di trú nói: “Đây là nhiệm vụ nhân đạo và nghĩa vụ đạo đức, phải chấm dứt thảm kịch, hàng ngày có cả ngàn người đánh liều mạng sống băng qua Địa Trung Hải”.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ tham gia cuộc họp hôm 20/4 tại Luxembourg đều ủng hộ các đề xuất của Uỷ ban châu Âu. Kế hoạch 10 điểm này sẽ được thảo luận và quyết định trong cuộc họp thượng đỉnh bất thường của lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tuần này tại Brussels.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.