Ảnh minh họa. (Nguồn: Alamy)
Đây là chương trình quy mô nhất và tham vọng nhất kể từ sau kế hoạch thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu năm 1950, tiền thân của thị trường chung châu Âu hiện nay.
Châu Âu sẽ dỡ bỏ biên giới quốc gia trong lĩnh vực năng lượng. Một thị trường chung sẽ thúc đẩy cạnh tranh trong sản xuất và truyền tải năng lượng ở quy mô toàn Liên minh châu Âu. Giá bán điện ở châu Âu đang cao hơn ở Mỹ khoảng 30%, giá khí đốt cao gấp đôi so với Mỹ, đang làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cho biết: “Một thị trường năng lượng ở quy mô toàn Liên minh châu Âu sẽ đem lại năng lượng giá rẻ hơn, sạch hơn và giảm nguy cơ thiếu năng lượng cục bộ. Sẽ là rất tốt cho Đan Mạch. Dĩ nhiên phải mất nhiều năm nữa ý tưởng này mới thành hiện thực”.
Điểm nhấn của chiến lược này là khuyến khích tư nhân sản xuất và truyền tải năng lượng, thúc đẩy nghiên cứu tư nhân trong sản xuất và tiết kiệm năng lượng, tạo ra cạnh tranh tự do trong một thị trường năng lượng chung. Sẽ không còn biên giới quốc gia trong lĩnh vực năng lượng. Ví dụ như, một nhà máy điện tư nhân tại Pháp có thể bán điện cho Ba Lan mà không cần phải xin phép.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Liên minh năng lượng là rất cần thiết, vì châu Âu mỗi năm phải chi tới 400 tỷ Euro để nhập khẩu năng lượng, tức là mỗi ngày bỏ ra hơn 1 tỷ Euro. Do vậy, điều ai cũng nhận thấy là chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.