COP21 và thách thức lớn trong những ngày đàm phán cuối

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 07/12/2015 18:42 GMT+7

VTV.vn - COP21 vẫn còn những thách thức lớn mà các nhà đàm phán cần vượt qua để hội nghị có thể kết thúc thành công như kỳ vọng.

Cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu COP21 tại thủ đô Paris (Pháp) hôm nay (7/12) bắt đầu bước vào giai đoạn "then chốt" nhưng cũng là khó khăn nhất. Việc kết thúc đàm phán kỹ thuật hôm thứ Bảy vừa qua và đưa ra được một bản dự thảo dài 48 trang được coi là một bước tiến lớn của COP21. Các nhà đàm phán đã mất 4 năm để có được văn bản này và giờ đây họ chỉ có 5 ngày để chuyển văn bản đó thành một thỏa thuận hành động cuối cùng, có sự chấp thuận của 195 quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà các nhà đám phán cần vượt qua để COP21 có thể kết thúc thành công như kỳ vọng.

Hạn chế mức tăng nhiệt độ

Mục tiêu chính trong tuần đàm phán then chốt này là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên, các bên tham gia vẫn chưa thể thống nhất về mục tiêu dài hạn này. Nhiều quốc gia đồng ý với mức tăng 2 độ C nhưng nhiều đảo quốc nhỏ cho rằng mục tiêu cần đạt tới là 1,5 độ C, vì nếu nhiệt độ trái đất tăng 2 độ C, các quốc gia này sẽ đối mặt với tình trạng bị nước biển nhấn chìm.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo

Các chuyên gia cho rằng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch cũng là vấn đề bởi để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống của các nước cũng sẽ tăng. Vì vậy câu hỏi đặt ra là làm sao sản xuất đủ lượng năng lượng sạch để thay thế nguồn năng lượng truyền thống theo nhu cầu.

Lo ngại về tài chính

Có thể nói, tài chính là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia phát triển muốn có thêm nhiều nước đóng góp hơn nếu muốn tăng khoản viện trợ trị giá 100 tỷ USD từ năm 2010 để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu và giúp họ dễ dàng hơn trong việc chuyển sang sử dụng những dạng năng lượng phát thải khí carbon thấp.

Ngoài ra, còn có những bất đồng lớn trong việc xem xét lại các cam kết cắt giảm khí thải carbon, rằng mức độ thường xuyên và hình thức nào sẽ được sử dụng để thực hiện cam kết này.

Theo giới quan sát, do các cuộc đàm phán trong tuần đầu tiên vẫn chưa tìm ra được những giải pháp cụ thể, nên các Bộ trưởng sẽ phải đối mặt với một tuần lễ đầy căng thẳng để đạt được một thỏa thuận có sự nhất trí của tất cả các bên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước