Hai miền Triều Tiên hội đàm phán cấp cao giải quyết căng thẳng. (Ảnh: AFP)
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Min Kyung-wook cho biết cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra giữa Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo và Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-Gon phụ trách các vấn đề quan hệ với Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Min Kyung-wook không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc đàm phán đang diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai miền Triều Tiên.
Trước đó, các quan chức trên đã đàm phán trong suốt 10 giờ đồng hồ bắt đầu từ chiều 22/8 đến sáng 23/8. Đến chiều 23/8, hai bên tiếp tục thảo luận suốt 16 giờ đồng hồ nhằm thu hẹp bất đồng. Đây là cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa hai miền Triều Tiên trong một năm qua.
Căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên bắt đầu từ vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) phân cách hai miền Triều Tiên vào ngày 4/8 vừa qua khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gây ra vụ nổ này và vi phạm thỏa thuận đình chiến cũng như hiệp ước không tấn công lẫn nhau, song Bình Nhưỡng đã bác bỏ, cho rằng cáo buộc này là "lố bịch" và "vô căn cứ". Để đáp trả, Hàn Quốc đã nối lại các buổi phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua hệ thống loa phóng thanh công suất lớn dọc biên giới hai miền lần đầu tiên sau 11 năm gián đoạn. Đến ngày 20/8, Hàn Quốc đã bắn hàng chục loạt đạn pháo 155 mm về phía Triều Tiên sau khi cho biết đã phát hiện các đơn vị tiền tiêu của quân đội Triều Tiên nã pháo về phía Hàn Quốc ở biên giới phía Tây. Seoul cho rằng vụ nã pháo này của Triều Tiên nhằm vào hệ thống loa phóng thanh của Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng trước đó đã đe dọa phá hủy. Triều Tiên phủ nhận việc nã pháo vào Hàn Quốc, đồng thời cáo buộc Seoul đã bịa đặt vụ việc này.
Trong lúc các quan chức hai bên đang tiến hành đàm phán, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/8 cho biết Triều Tiên đã triển khai hàng chục tàu ngầm cũng như tăng cường lực lượng pháo binh dọc khu vực biên giới. Theo đó, khoảng 50 trong số 70 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời các căn cứ quân sự ở khu vực ven biển phía Đông và Tây rồi biến mất khỏi hệ thống radar quân sự của Hàn Quốc. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, động thái của Triều Tiên di dời tàu ngầm số lượng lớn như vậy là “chưa từng có”. Con số này lớn gấp 10 lần bình thường và cũng là mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Phản ứng trước diễn biến này, Seoul cũng đã tăng cường nỗ lực để ngăn chặn tàu ngầm Triều Tiên như triển khai các máy bay tuần tra và tàu khu trục.
Mặc dù cuộc đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên bước sang ngày thứ ba chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy đạt được tiến bộ trong việc làm dịu tình hình căng thẳng, song nhiều nhà quan sát cho rằng chỉ riêng việc hai bên nhất trí tiến hành đàm phán đã là một dấu hiệu tích cực trong tình hình hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.