Lãnh đạo 20 quốc gia thành viên EU đang tiến hành cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận một loạt các vấn đề khu vực và quốc tế.
Cuộc họp thượng đỉnh lần này tập trung vào một trong những vấn đề đang gây chia rẽ trong nội bộ các nước của Liên minh châu Âu - đó là việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine và mối quan hệ với Nga. Trong khi một vài nước vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Moscow như: Ba Lan, Anh; một số nước khác như: Pháp, Italy, Hy Lạp lại muốn có cách tiếp cận mềm dẻo hơn.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt để gây sức ép với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ.
Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu phát biểu: "Hội đồng châu Âu đã nhất trí rằng, việc kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ gắn kết một cách rõ ràng với việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, ít nhất đến cuối năm nay".
Liên quan đến tình hình ở Ukraine, EU kêu gọi các bên xung đột thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk cũng như ủng hộ phái bộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu thực hiện vai trò giám sát và kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận trên. Ngoài ra, các lãnh đạo EU cũng khuyến nghị nên khẩn cấp thông qua gói hỗ trợ tài chính lớn thứ ba trị giá 1,8 tỷ Euro cho Kiev.
Về vấn đề an ninh năng lượng, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết đã đạt được những tiến triển trong cuộc thảo luận về việc thành lập Liên minh Năng lượng châu Âu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh thu hút sự chú ý của dư luận là cuộc họp giữa lãnh đạo Pháp, Đức, Hy Lạp và các thể chế của EU về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Mặc dù chưa có một thỏa thuận nào được đưa ra, song sau cuộc họp Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã bày tỏ sự lạc quan và cho biết, các bên đều khẳng định sẽ cố gắng làm hết sức để giúp Hy Lạp vượt qua những khó khăn kinh tế hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.