Khai mạc vòng đàm phán thứ hai về hòa bình ở Syria

Hoài Thu (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 07/04/2015 05:30 GMT+7

Khung cảnh hoang tàn tại thành phố Homs của Syria. (Ảnh: BBC)

VTV.vn - Vòng đàm phán thứ 2 nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria đã khai mạc hôm 6/4 ở thủ đô Moscow của Nga.

Tuy nhiên, việc Đảng đối lập chính ở Syria từ chối tham gia đàm phán đã khiến sự kiện này được dự báo sẽ không đạt được tiến triển đáng kể nào trong việc giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ của Syria tại LHQ, Bashar al-Jaafari, dẫn đầu đoàn đại biểu của Chính phủ Syria tham gia vào vòng đàm phán kéo dài 4 ngày với các thành viên của nhóm đối lập ôn hòa - Ủy ban điều phối quốc gia vì sự thay đổi dân chủ.

Tuy nhiên, Liên minh Dân tộc Syria, tổ chức đối lập chính được phương Tây hậu thuẫn, đã từ chối tham gia vòng đàm phán lần này tại Moscow.

Hãng tin AFP cho biết, 2 ngày đầu đàm phán sẽ dành cho các cuộc hội đàm giữa phe đối lập Syria và các nhà trung gian Nga, cuộc gặp giữa các phe xung đột Syria được dự kiến vào ngày 8/4 với nội dung chính là các vấn đề nhân đạo và chương trình nghị sự cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đánh giá về sự vắng mặt của lực lượng đối lập chính của Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, đối thoại nhằm giải quyết xung đột tại Syria cần phải thu hút được đại diện của tất cả các bên tại Syria, Chính phủ cũng như phe đối lập. Ngoại trưởng Nga tuyên bố bất kỳ một quyết định nào về nhà nước Syria cũng phải được sự nhất trí của tất cả mọi người dân. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự đàm phán

Ông Rewad Ballan, Thành viên Đảng đối lập Syria cho biết: "Không có nhiều hy vọng vào vòng đàm phán lần này bởi nhiều Đảng đối lập trong và ngoài Syria vắng mặt. Cuộc đàm phán chỉ có thể thành công nếu có tất cả các bên tham gia”.

Các chuyên gia phân tích cho rằng cần có cả nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh hiện nay ở Syria vì quốc gia Trung Đông này giờ đây phải giải quyết không chỉ vấn đề xung đột nội bộ mà còn phải đối phó với các tổ chức khủng bố.

Ông Tark Alabed, Chuyên gia phân tích chính trị nói: "Cuộc khủng hoảng an ninh ở Syria đang là một vấn đề quốc tế hơn là một vấn đề của riêng Syria. Vì vậy, chúng ta nên tạo áp lực đối với tất cả các Đảng ở Syria và cộng đồng quốc tế nói chung để thúc đẩy cuộc chiến chống lại khủng bố”.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa Chính phủ và các Đảng đối lập của Syria cũng diễn ra tại Moscow cuối tháng 1 vừa qua và đã kết thúc mà không đạt được đột phá nào. Trong khi đó, lực lượng đối lập chính ở Syria tuyên bố sẽ chỉ tham gia vào các cuộc thương lượng tiếp theo nếu như Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng ý từ chức .

Hơn 215.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria tháng 3 năm 2011. Hiện các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở thủ đô Damascus sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tuần trước nắm quyền kiểm soát phần lớn trại tị nạn Yarmouk của người Palestine ở ngoại ô Damascus.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước