Nhật Bản: Gánh nặng các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động

Đức Cường (Phóng viên VTV thường trú tại Nhật Bản - thoisu@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 03/02/2015 07:00 GMT+7

Nhân viên Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại phòng vận hành lò phản ứng số 1-2, nhà máy điện Fukushima 1 ngày 10/3/2014. (Ảnh: AFP)

Các công ty điện lực Nhật Bản vẫn phải duy trì một chi phí khổng lồ để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động.

Sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011, Nhật Bản đã lần lượt chấm dứt hoạt động của toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân ở nước này. Tuy nhiên, các công ty điện lực Nhật Bản vẫn phải duy trì một chi phí khổng lồ để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa bao phủ một khu vực đất đai rộng 4,2km2. Với tổng cộng 7 lò phản ứng hạt nhân, Kashiwazaki Kariwa có thể tạo ra sản lượng điện lên đến 8.200 MW.

Trước thảm họa ngày 11/3/2011, nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 20% sản lượng điện cho toàn bộ vùng Thủ đô Tokyo.

Thảm họa ngày 11/3/2011 đã buộc công ty điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy - chấm dứt hoạt động sản xuất điện của tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, các phản ứng nhiệt hạch vẫn diễn ra. Điều này buộc TEPCO phải duy trì hàng nghìn nhân viên để kiểm soát quá trình phân rã hạt nhân, không để xảy ra các sự cố phóng xạ. Bên trong nhà máy hạt nhân đã ngừng hoạt động trên lý thuyết, có đến hơn 5.000 con người vẫn đang làm việc ngày đêm, trong đó có 1.125 người là nhân viên chính thức của TEPCO.

Ông Hayashi Katsuhiko, Phó giám đốc nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa cho biết: “Điểm đặc thù của nhà máy điện hạt nhân là dù các lò phản ứng đã ngừng sản xuất điện, các thanh nhiên liệu vẫn không ngừng tỏa nhiệt. Chúng tôi phải liên tục làm nguội các thanh nhiên liệu để đảm bảo an toàn cho nhà máy. Hoạt động này diễn ra trong suốt 24h mỗi ngày”.

Sau thảm họa ngày 11/3/2011, công ty điện lực TEPCO đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để tăng cường độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân. TEPCO đang nỗ lực thúc giục Chính phủ cho phép công ty vận hành trở lại các nhà máy điện.

Ông Hayashi Katsuhiko, Phó giám đốc nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa nói: “Sau hai trận động đất lớn vào năm 2007 và 2011, chúng tôi đã lần lượt ngừng vận hành các lò phản ứng để củng cố an toàn cho nhà máy, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Chính phủ. Mục tiêu của chúng tôi là dù gặp phải động đất lớn kèm theo sóng thần, nhà máy vẫn có thể hoạt động bình thường. Do việc nâng cấp rất phức tạp, chúng tôi không có đủ người và phải xếp các lò phản ứng theo thứ tự ưu tiên. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm phục hồi hoạt động của lò phản ứng số 6 và số 7”.

Cho đến khi nhận được sự chấp thuận của Chính phủ, nhà máy điện Kashiwazaki Kariwa vẫn sẽ phải bỏ ra hàng triệu USD mỗi tháng để trả lương cho nhân viên và mua điện từ bên ngoài, do nhà máy đã ngừng sản xuất điện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước