Nội các Anh họp bất thường vào thứ 7 sau 24 năm về thỏa thuận với EU

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 20/02/2016 22:26 GMT+7

VTV.vn -10h giờ GMT hôm nay (20/2) , nội các Anh đã họp về bản thỏa thuận vừa đạt được giữa Thủ tướng với các nhà lãnh đạo EU. Đây là cuộc họp bất thường vào thứ 7 sau 24 năm.

Đêm 19/2 theo giờ Việt Nam, tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận, sửa đổi một số hiệp định theo đề xuất của nước Anh. Theo đó, nước Anh sẽ được hưởng một số quy chế đặc biệt hơn so với các nước châu Âu khác. Đây là điều kiện mà Thủ tướng Anh đặt ra để có thể thuyết phục cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu.

Thỏa thuận đêm 19/2 đạt được nhờ sự nhượng bộ của cả 2 phía, giữa Anh và 27 thành viên EU khác. Mặc dù cũng đã phải nhượng bộ một số chi tiết, Thủ tướng Anh Cameron đã gọi đây là một chiến thắng và cam kết sẽ dùng cả "trái tim và linh hồn" để vận động nước Anh ở lại EU. Hiện, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào London - nơi sẽ diễn ra "cuộc giằng co" giữa Thủ tướng Anh cùng những người ủng hộ châu Âu với phe đòi tách khỏi EU.


Thủ tướng Anh Cameron trước cuộc họp nội các tại số 10 phố Downing

Thủ tướng Anh Cameron trước cuộc họp nội các tại số 10 phố Downing

 

Vào lúc 10h giờ GMT hôm nay (20/2), tức 17h hôm nay theo giờ Việt Nam, nội các Anh đã họp về bản thỏa thuận vừa đạt được giữa Thủ tướng Anh Cameron với các nhà lãnh đạo EU. Theo phóng viên Phương Huyền thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Anh, cuộc họp giữa Thủ tướng Cameron và 21 thành viên chính phủ vừa diễn ra được hơn 2 giờ tại tòa nhà số 10 phố Downing. Đã 24 năm nay, nội các Anh mới có một lần họp bất thường vào thứ 7. Cuộc họp kín đang diễn ra bên trong và các phóng viên chỉ có thể chờ cập nhật thông tin ở ngoài. Có 6 trong số 21 bộ trưởng dự kiến sẽ phản đối bản thỏa thuận vừa đạt được nhưng Thủ tướng Anh đã có được sự ủng hộ vào phút cuối của Bộ trưởng Nội vụ Theresa May - người vốn dĩ trước đó nghi ngờ vai trò châu Âu và ủng hộ chuyện ra đi.

Cũng theo phóng viên Phương Huyền, ông Cameron đã tuyên bố rằng sau cuộc họp hôm nay, các thành viên chính phủ được tự do tham gia các chiến dịch vận động đi hay ở, tuỳ theo quan điểm của mình. Nhìn chung, tỷ lệ ủng hộ Anh ở lại EU vẫn đang cao hơn. Một khảo sát gần đây cho thấy, 63% doanh nghiệp Anh muốn nước này ở lại châu Âu, bất kể điều kiện là gì. Nội các dù có chia rẽ nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Cameron vẫn đang chiếm hơn 2/3.

Việc Anh đi hay ở lại EU sẽ còn phải chờ kết quả trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới nhưng việc nước Anh ra đi sẽ là một cú sốc lớn trong bối cảnh EU đang cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết cả về mặt tinh thần, trí tuệ và sức mạnh vật chất để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư và cải thiện đà phục hồi kinh tế khu vực vốn đang còn mong manh. Trong bối cảnh Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và có vai trò quan trọng hàng đầu trong EU và việc Anh ra khỏi EU sẽ khiến sức mạnh khối này sụt giảm.

Ngược lại, nếu rời khỏi EU, Anh cũng sẽ thua thiệt không kém, đặc biệt là về kinh tế. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng cảnh báo, việc rời khỏi EU sẽ biến Anh thành "một nền kinh tế tầm trung - lửng lơ giữa Đại Tây Dương, chẳng ở châu Mỹ hay châu Âu" và việc này sẽ "giết chết Trung tâm tài chính London". Cũng cần nhìn lại bản chất của việc EU nhượng bộ Anh cũng chính là hành động xốc lại các thể chế EU, hiện được cho là khá bất cập trước những thách thức mới như nạn khủng bố, nạn di cư.

Sau thỏa thuận với EU, bài toán chia rẽ, mâu thuẫn trong nội các tiếp tục chờ Thủ tướng Anh Sau thỏa thuận với EU, bài toán "chia rẽ, mâu thuẫn" trong nội các tiếp tục chờ Thủ tướng Anh

VTV.vn - Sau khi nước Anh đạt được bản thỏa thuận với EU, những mâu thuẫn, chia rẽ trong lòng nước Anh mới thực sự được thể hiện rõ hơn lúc nào hết.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước