Ngày 16/01, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được cuối tháng 7/2015. Động thái này đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa phương Tây và Iran sau hơn 35 năm thù địch, đồng thời mở ra một cơ hội lớn cho Iran trong tiến trình tái hội nhập với thế giới.
Giờ đây, hàng tỷ USD giá trị tài sản ở nước ngoài của Iran sẽ không còn bị đóng băng, các doanh nhân quốc tế sẽ được phép đầu tư và làm ăn ở Iran mà không sợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hơn nữa, nhiều người Iran sẽ được đưa ra khỏi danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ và Hội đồng các vấn đề kinh tế và tài chính của Liên minh châu Âu.
Nền kinh tế Iran đang hy vọng vào một sự khởi sắc sau quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo GDP của Iran sẽ tăng từ 4 - 5,5% trong năm 2016.
Dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế cũng đồng nghĩa với việc kể từ nay, Iran sẽ được phép tăng sản lượng dầu bán ra thị trường thế giới. Chiếm 9% trữ lượng dầu mỏ thế giới và có trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới, Iran đang chuẩn bị trở lại vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Với sự xuất hiện trở lại của Iran, Ngân hàng Thế giới đã dự báo giá dầu có thể tiếp tục lao dốc, giảm thêm từ 5 - 10 USD/thùng vào năm 2016. Trong khi đó, hàng loạt các tổ chức tài chính lớn như Morgan Stanley, Goldman Sachs, đặc biệt là Standard Charter, đã đưa ra mức dự báo bi quan cho "vàng đen" khi cho rằng giá dầu có thể giảm xuống mức 10 USD/thùng. Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998, giá dầu đã có lúc chạm mức 10 USD/thùng.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.