Sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần: Điểm nóng Syria và Hiệp định lịch sử TPP

PV-Chủ nhật, ngày 11/10/2015 05:00 GMT+7

Nga khẳng định các cuộc không kích chỉ nhằm vào IS không phải lực lượng đối lập (Ảnh: BBC)

VTV.vn - Hiệp định TPP được hoàn tất và những diễn biến mới nhất về tình hình chiến sự tại Syria là các sự kiện quốc tế được quan tâm nhất trong tuần qua (5/10 – 11/10).

1. Hiệp định lịch sử TPP hoàn tất đàm phán

Sáng 5/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tối 5/10 theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Tuyên bố của Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP công bố ngày 4/10, khẳng định "các Bộ trưởng Thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam hân hạnh thông báo rằng chúng tôi đã hoàn tất thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương".

Sau 6 ngày đàm phán liên tục, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Hiệp định TPP ban đầu có tên là nhóm P-4 do bốn nước thành lập là Chile, New Zealand, Singapore và Mexico. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP và đến đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Cho tới nay đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP bao gồm: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản.

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân. Đàm phán TPP hiện là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

2. Không kích IS, Nga đang theo đổi cục diện ở Trung Đông?

Ngày 8/10, chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã bước sang ngày thứ 9 và vẫn tiếp tục được tăng cường nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại tỉnh Raqqa, phía Bắc, Homs và Hama (miền Trung).

Cùng ngày 8/10, quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Nga đã bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào IS để giải phóng các khu vực và thị trấn phải chịu cảnh khủng bố.

Trước đó, ngày 4/10, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Iran, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad khẳng định chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria và Iraq đã phản tác dụng và chỉ khiến khủng bố lan rộng.

Nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh các cuộc không kích của không quân Syria giờ đây có sự hỗ trợ của Nga mang lại kết quả hơn nhiều so với chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân đạt được, đồng thời khẳng định một liên minh gồm Syria, Nga, Iran và Iraq có thể mang lại các kết quả thực sự.

Trong một diễn biến liên quan, quan hệ giữa Nga, NATO đã leo thang căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO) cáo buộc Nga đã xâm phạm không phận nước này khi tiến hành không kích IS tại Syria. Mỹ đã đề xuất về việc cần đưa ra những chỉ dẫn về an toàn cho máy bay 2 nước tham gia không kích IS tại Syria.

Ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã nhóm họp trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga đang ở mức cao nhất kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

4. Mỹ thừa nhận không kích nhầm bệnh viện ở Afghanistan

Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xin lỗi Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) vì vụ không kích nhằm vào một bệnh viện của tổ chức tại tỉnh Kunduz, Afghanistan, làm 22 người thiệt mạng, trong đó có 12 nhân viên của MSF.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, toàn diện và khách quan về vụ tấn công.

Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/10, Chỉ huy Phái bộ hỗ trợ của NATO ở Afghanistan, Tướng John Campbell khẳng định, vụ không kích vào bệnh viện ở Kunduz là một sự nhầm lẫn và lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan “không bao giờ cố tình nhằm vào một cơ sở y tế được bảo vệ”.

Tướng Campbell cũng cảnh báo, tình hình thực địa ở Afghanistan đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2014. Taliban ở Afghanistan đang không ngừng lớn mạnh, cộng với việc, IS cũng có xu thế mở rộng hoạt động ở Afghanistan với 1.000- 3.000 tay súng. Với tình hình hiện nay ở Afghanistan tiếp tục xấu đi, ông Campbell đã kiến nghị Tổng thống Obama điều chỉnh kế hoạch rút quân của quân đội Mỹ.

Trước đó, ngày 5/10 Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) bày tỏ quan ngại rằng, vụ không kích trúng bệnh viện ở Kunduz, Afghanistan, cuối tuần trước là một tội ác chiến tranh , đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vụ việc này.

5. Liên Hợp Quốc sẽ điều tra nội bộ sau bê bối nhận hối lộ

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 8/10 đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra nội bộ sau khi cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 - ông John Ashe - bị các nhà điều tra liên bang Mỹ bắt giữ với cáo buộc nhận các khoản hối lộ với tổng trị giá khoảng 1,3 triệu USD.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho biết cuộc điều tra sẽ do Cơ quan Giám sát nội bộ của LHQ tiến hành và liên quan tới hoạt động phối hợp giữa LHQ với Quỹ Phát triển Bền vững toàn cầu, nơi ông Ashe nắm giữ một trong những vị trí lãnh đạo. Theo người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ, tổ chức toàn cầu này không chấp nhận bất kỳ hành động tham nhũng nào và Tổng Thư ký Ban Ki-moon muốn chắc chắn rằng mọi khoản tiền nhận được từ các công ty tư nhân đều được sử dụng một cách đúng đắn và phù hợp với các quy định hiện hành của LHQ.

Trước đó, hôm 6/10, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 John Ashe bị các nhà điều tra liên bang Mỹ bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ của các doanh nghiệp từ Macau (Trung Quốc).

6. Đánh bom kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ít nhất 95 người chết trong vụ đánh bom kép ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử hiện đại của nước này.

Cảnh tượng hỗn loạn diễn ra sau các vụ nổ, khi các xe cứu thương ập đến với những người bị thương và cảnh sát phong toả khu vực đầy vết máu quanh ga tàu. "Chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn rồi sau đó một tiếng nổ nhỏ hơn, và rồi đám đông bỏ chạy, sợ hãi. Rồi chúng tôi thấy những thi thể quanh nhà ga", Ahmet Onen, 52 tuổi, nói. "Một cuộc biểu tình nhằm thúc đẩy hoà bình đã biến thành một cuộc tàn sát, tôi không hiểu nổi điều này", ông nghẹn ngào nói.

Bạo lực giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh đảng Công nhân người Kurd (PKK) bùng lên kể từ tháng 7. Ankara tiến hành các cuộc không kích vào các trại của lực lượng người Kurd vì cho rằng họ gia tăng tấn công vào quân chính phủ. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online .

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước