"Nóng" thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 09:14 GMT+7

VTV.vn - Thị trường lương thực toàn cầu và khu vực Biển Đen giao nhau giữa lục địa Âu Á lại nóng lên sau khi thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ.

Thỏa thuận này do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngô, lúa mì và các loại nông sản ra thị trường thế giới. Nó đảm bảo rằng các tàu chở ngũ cốc sẽ không bị tấn công khi ra vào các cảng của Ukraine, trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Trong tuyên bố không gia hạn thỏa thuận này, Nga khẳng định, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ bị đình chỉ cho đến khi yêu cầu đưa lương thực và phân bón của Nga ra thế giới được đáp ứng.

Chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa, một ngày trước khi thỏa thuận này hết hạn vào 17/7.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận hiếm hoi giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát đã đổ vỡ.

Phía Nga lý giải về quyết định không tiếp tục gia hạn, đó là những yêu cầu của Nga về việc được dỡ bỏ những cản trở cho hoạt động xuất khẩu phân bón và lương thực của nước này không được đáp ứng. Trong khi đó, lương thực của Ukraine được vận chuyển qua hành lang này không đến được các nước nghèo nhất thế giới, mà hầu hết có đích đến là các nước phát triển giàu có.

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Điều kiện cơ bản để Nga quay trở lại thỏa thuận là thiết lập lại bản chất nhân đạo ban đầu của mình. Ngay sau khi chúng được thực hiện, chúng tôi sẽ lập tức trở lại thỏa thuận".

Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - hai bên trung gian của Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho biết, sẽ nỗ lực để đưa Nga quay trở lại thỏa thuận, trong đó đảm bảo việc duy trì những điều khoản có lợi cho Nga trong thỏa thuận này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Tôi nhận thức được một số trở ngại tồn tại trong hoạt động ngoại thương đối với các sản phẩm phân bón và thực phẩm của Nga. Tôi đã gửi thư cho Tổng thống Putin với một đề xuất mới để duy trì Sáng kiến Biển Đen".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: "Tôi tin rằng người bạn của tôi, Tổng thống Putin, vẫn muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận nhân đạo này. Khi gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8 tới, chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này, thảo luận về cách có thể hành động để mở đường cho việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga".

Về phía Ukraine, nước này tuyên bố sẵn sàng tiếp tục sử dụng hành lang Biển Đen cho tàu chở ngũ cốc rời cảng ngay cả khi không có Nga. Ukraine cũng kêu gọi thành lập một thỏa thuận ba bên mới mà không có Nga.

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: "Tôi đã gửi thư chính thức tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên hợp quốc với đề xuất mở rộng hoạt động của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hoặc tương đương theo định dạng ba bên. Cùng nhau, Ukraine, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm bảo hoạt động của một hành lang thực phẩm và kiểm tra tàu thuyền".

Về phía Nga, nước này tuyên bố mọi tàu hướng đến cảng của Ukraine giáp Biển Đen sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự. Những quốc gia sở hữu tàu cũng sẽ bị coi là bên tham gia chiến sự Ukraine và ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, quân đội Nga chưa công bố biện pháp hành động với những tàu hàng này.

Phía Mỹ thì cảnh báo rằng Nga có thể tấn công tàu hàng dân sự trên Biển Đen, mở rộng số lượng mục tiêu trong chiến dịch tập kích hạ tầng ngũ cốc của Ukraine.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, đợt không kích của Nga nhằm vào thành phố cảng chiến lược Odessa ở miền Nam đã phá hủy 60.000 tấn ngũ cốc.

"Phao cứu sinh" với an ninh lương thực toàn cầu

Trước xung đột, Ukraine xuất khẩu khoảng 25-30 triệu tấn ngô/năm và 16-21 triệu tấn lúa mì, chiếm gần 10% thị phần thế giới. Con đường chính để xuất khẩu là qua các cảng ở Biển Đen.

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 3.

Kể từ khi được ký kết đến nay, Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã đảm bảo việc xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc đến 45 quốc gia thuộc ba châu lục. Vì thế, điều dễ hiểu là thỏa thuận này được coi như phao cứu sinh với an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), việc kết nối một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới là Ukraine với các thị trường đã giúp giảm 11,6% giá lương thực toàn cầu kể từ tháng 7 năm ngoái.

Trong số ngũ cốc xuất đi, 57% khối lượng hàng xuất khẩu có điểm đến là những quốc gia đang phát triển, trong khi khoảng 20% khối lượng hàng tới các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - cùng với Bản ghi nhớ về tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga - là phao cứu sinh cho an ninh lương thực toàn cầu và là nguồn hy vọng trong một thế giới đầy khó khăn. Vào thời điểm mà việc sản xuất và cung cấp lương thực đang bị gián đoạn do xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng..., các thỏa thuận này đã giúp giá lương thực giảm hơn 23% kể từ tháng 3 năm ngoái".

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: "Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được thống nhất dưới sự bảo trợ của Tổng thư ký Guterres, rất quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Vì thỏa thuận này, cùng với các tuyến đường bộ qua châu Âu, đang giúp đảm bảo rằng các quốc gia dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với ngũ cốc và phân bón mà họ cần".

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 4.

Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã chuyển hơn 725 nghìn tấn lương thực hỗ trợ nhân đạo cho những khu vực đói nghèo nhất, bao gồm Afghanistan, khu vực Sừng châu Phi và Yemen.

Ông Richard Ragan - Giám đốc quốc gia Chương trình Lương thực Thế giới tại Yemen: "Tôi nghĩ Yemen là nước nhận được nhiều nhất sự hỗ trợ nhân đạo từ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Và bây giờ, có vẻ như thỏa thuận đã bị tạm dừng, hy vọng đây chỉ là tạm thời thôi. Tôi kêu gọi các bên liên quan hãy xét đến những người đang đói khổ trên khắp thế giới và đã từng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này, vì nó thực sự có tác động rất lớn đến chúng tôi ở Yemen".

Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói. Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về nguy cơ có thêm hàng triệu người sẽ thiếu lương thực trong thời gian tới do việc đình chỉ Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp Ukraine

Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn là đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp Ukraine, nó đặc biệt gây lo ngại khi mà vụ mùa mới sắp bắt đầu, hàng hóa không xuất đi được ứ trệ trong kho.

Anh Kees Huizinga sở hữu một trang trại tại Kyshchentsi, vùng Cherkasy rộng 15 nghìn ha ở miền Trung Ukraine. Việc Thỏa thuận Biển Đen không được gia hạn khiến tình hình tài chính của anh vốn đã tồi tệ càng trở nên khó khăn hơn.

"Chúng tôi có nguồn dự trữ nên vẫn có thể duy trì trong một tháng hoặc lâu hơn, nhưng nếu chúng tôi không bán được hàng thì đó sẽ là một thảm họa".

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 5.

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận này và lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine do các nước láng giềng phía Tây của Ukraine áp đặt khiến cho các tuyến đường xuất khẩu đều khó khăn hơn. Chi phí vận tải nông sản trên bộ rơi vào khoảng 100 USD/tấn, hơn gấp đôi vận tải đường biển. Con đường chính còn lại để vận chuyển nông sản ra khỏi Ukraine là các cảng trên sông Danube, chạy dọc biên giới tây nam của Ukraine tiếp giáp với Romania.

Theo ông Carlos Mera - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu về hàng nông sản tại Ngân hàng Rabobank: "Các cảng trên sông Danube về cơ bản là ở ngay vùng nước của EU. Vì vậy, đó là một tuyến đường điều hướng rất an toàn, nhưng lại phải vận chuyển những loại ngũ cốc và hạt đó bằng tàu hỏa hoặc xe tải đến cực nam của Ukraine, đó là một chặng đường rất dài. Và điều này, tất nhiên làm tăng chi phí vận chuyển lên rất nhiều. Có nghĩa là nông dân Ukraine sẽ phải nhận mức giá ngũ cốc và hạt thấp hơn nhiều, đồng nghĩa với việc họ có thể không có lãi hoặc có thể phải bán dưới giá thành sản xuất, cũng có nghĩa là họ có thể sẽ không duy trì được việc sản xuất trong những năm tới".

Năm nay, Ukraine ước tính thu hoạch khoảng 44 triệu tấn ngũ cốc. Nhiều nông dân tại Ukraine như anh Huizinga mong muốn các bên sẽ sớm tìm ra cách để vận chuyển ngũ cốc ra nước ngoài với mức giá hợp lý. Liên hợp quốc cũng cho biết, có một số ý tưởng đang được đưa ra để thảo luận về cách giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine ra các thị trường quốc tế.

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 6.

Ngũ cốc Ukraine chia rẽ châu Âu

Có cách khác ngoài tuyến đường vận tải Biển Đen để Ukraine vận chuyển ngũ cốc ra thị trường quốc tế, đó là các hành lang đường bộ và đường thủy, qua các cửa khẩu trên bộ, đưa hàng hóa của Ukraine đi khắp châu Âu. Liên minh châu Âu đã gọi đây là "Các tuyến đường đoàn kết"- Đoàn kết với người dân Ukraine. Nhưng giờ thì sự đoàn kết đó đang mai một vì ngũ cốc và các sản phẩm lương thực giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường Đông Âu, đã gây bất ổn và làm bùng lên sự tức giận của người nông dân Đông Âu. Ở nhiều nước Đông Âu, tình đoàn kết với Ukraine thực sự bị bị thử thách vì ngũ cốc.

Kho hạt hướng dương của bà Danka, một nông dân ở Bulgaria đang chất thành núi. Thu hoạch vụ mùa xong thì chỉ biết chất đầy trong kho vì giờ không bán được cho ai. "Chúng tôi có 300 tấn hạt hướng dương chưa bán, chúng tôi không biết sẽ giải phóng kho như thế nào và chúng tôi sẽ cất giữ sản phẩm mới ở đâu trong vụ thu hoạch sắp tới".

Nguyên nhân là do nông sản của Ukraine đang tràn ngập các nước EU có vị trí địa lý gần như Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria. Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bị gián đoạn khiến Kiev phải tìm cách vận chuyển bằng đường bộ qua châu Âu. Để ủng hộ Ukraine, EU đã dỡ bỏ các loại thuế đối với ngũ cốc và nhiều nông sản của Ukraine, tạo thuận lợi để vận chuyển đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, trên thực tế một lượng lớn nông sản Ukraine lại kẹt lại ở châu Âu, bán với giá rẻ, gây khó khăn cho sản phẩm nội địa. Chi phí sản xuất nông nghiệp của Ukraine thấp hơn nhiều so với ở EU, một phần do điều kiện thời tiết thuận lợi và cũng vì ngành nông nghiệp ở Ukraine không phải thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường nghiêm ngặt như EU.

Nóng thị trường lương thực toàn cầu: Tương lai nào cho Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen? - Ảnh 7.

Ông Marin Iliev - Nông dân Bulgaria nói: "Điều này bắt đầu ngay sau khi công bố các hành lang vận chuyển, nông dân Ukraine bắt đầu xuất khẩu với số lượng lớn và nó đã tràn đến Bulgaria".

Vấn đề này đang gây những bất đồng trong nội bộ EU, nhiều cuộc biểu tình của nông dân nổ ra. Trước sức ép đó, Liên minh châu Âu đã phải nhượng bộ. Từ tháng 5 vừa qua cho phép 5 nước là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria được cấm bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine trong nước. Tuy nhiên vẫn cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác, kể cả các nước EU. Hiện tại lệnh hạn chế này có hạn đến 15/9.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Ưu tiên trước mắt là quá trình vận chuyển ngũ cốc diễn ra liền mạch và với chi phí thấp nhất có thể từ Ukraine tới Liên minh châu Âu. Điều này đòi hỏi sự hợp tác rất chặt chẽ của các bên liên quan. Chúng tôi sẽ cùng nhau thiết lập một nền tảng điều phối để đưa các tuyến đoàn kết này hoạt động trở lại đầy đủ".

Thế nhưng, trong tuần này, 5 quốc gia thành viên EU là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria đã ký tuyên bố chung về việc tự gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine vào các nước này đến cuối năm nay mà không cần EU phải đồng ý. Điều này đi ngược lại những đồng thuận đã có với EU.

Tổng thống Ukraine gọi lệnh cấm ngũ cốc nước này của 5 nước EU là tàn nhẫn và đáng thất vọng. Ông cho rằng cho rằng những biện pháp này sẽ chỉ có lợi cho Nga.

Nga nêu 7 điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc Nga nêu 7 điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc

VTV.vn - Nga sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nhưng chỉ với điều kiện các quốc gia phương Tây và Ukraine đáp ứng những yêu cầu của Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước