Có rất nhiều điều để nói về một năm xảy ra xung đột Nga – Ukraine, hay nhìn rộng ra là châu Âu và thế giới đã và đang chao đảo về cuộc xung đột này.
Hoang tàn, đổ nát, mất mát nơi tiền tuyến là những hệ quả rõ nét, khốc liệt nhất của xung đột tại Ukraine, nhưng cuộc xung đột còn đi xa hơn thế, từ đối đầu trực diện trên chiến trường đã nhanh chóng lan rộng trên nhiều mặt trận từ ngoại giao đến truyền thông, kinh tế và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vào thời điểm một năm kể từ ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, đánh giá của các nhà phân tích không mấy lạc quan.
Ông Ian Bremmer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Chủ tịch Eurasia: "Cuộc chiến sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều bởi vì chúng ta không chỉ nói về những gì xảy ra trên thực địa mà còn là các cuộc tấn công mạng, tấn công đường ống, hoạt động gián điệp đến cuộc chiến truyền thông".
GS. Sergey Radchenko - Nhà nghiên cứu quốc tế, Đại học Johns Hopkins: "Mọi thứ đang ở trong tình trạng không chắc chắn. Có vẻ như cả hai đều mong muốn đạt được nhiều lợi ích hơn trên chiến trường trước khi cân nhắc bất kỳ hình thức đàm phán nào".
Thế giới phân cực sâu sắc
Đến nay, phương Tây đã hỗ trợ Ukraine khoảng 135 tỷ USD, áp đặt tổng số 15 nghìn lệnh trừng phạt các loại với cá nhân, tổ chức của Nga. Trong khi Nga tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn, sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao, lâu dài. Trên quy mô toàn cầu, cuộc xung đột đã khiến thế cân bằng mong manh giữa các cường quốc thêm lung lay. Các lĩnh vực từ năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng... đều trở thành lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, đối đầu giữa các bên, đẩy thế giới vào một cục diện "đa cực đầy rủi ro". Các nước gia tăng củng cố sức mạnh quân sự, quan hệ đồng minh, tìm kiếm ảnh hưởng trên toàn cầu, khiến thế giới phân cực sâu sắc.
GS. Carl Thayer - Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia: "Xu hướng toàn cầu hóa và đa cực đang đối mặt với những lực cản lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh, mâu thuẫn giữa các nước lớn… Những gì chúng ta thấy là trật tự thế giới đa cực nhưng cũng phân cực hơn".
Cuộc xung đột cũng khiến thương mại toàn cầu trở nên phân mảnh hơn, xu hướng toàn cầu hóa bị đe dọa. Thiệt hại từ cuộc xung đột ước tính lên tới hơn 1.600 tỷ USD, khoảng 30% việc làm bị xóa sổ, đi kèm với đó là khủng hoảng năng lượng, gián đoạn nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.
Ông Hamid Rashid - Cục các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc: "Cuộc xung đột Nga – Ukraine là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế thế giới".
Trong một thế giới đầy rủi ro với những thách thức đa tầng từ kinh tế tới nhân đạo, các nước nhấn mạnh ưu tiên tìm kiếm giải pháp hòa bình, kết thúc chiến tranh thay vì răn đe, đối đầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: "Chúng ta phải ngăn chặn sự leo thang hơn nữa. Chúng ta phải khuyến khích mọi nỗ lực để chấm dứt đổ máu, tạo cơ hội cho hòa bình".
Thủ tướng Namibia Saara Kuugongelwa Amadhila cho rằng: "Chúng ta cần một giải pháp hòa bình cho xung đột để toàn thế giới tập trung vào tái thiết, cải thiện đời sống người dân thay vì chi tiêu để mua vũ khí và tạo ra sự thù địch".
Trong bối cảnh triển vọng đàm phán vẫn còn xa, các chuyên gia cho rằng, một trong các kịch bản khả quan của cuộc xung đột này sẽ là một dạng "xung đột đóng băng", tức là sẽ không có các cuộc chiến quy mô lớn nhưng xung đột không chấm dứt.
Con đường đến hòa bình vẫn đầy bế tắc
Vào thời điểm 1 năm cuộc xung đột, những tiếng nói kêu gọi tìm kiếm hòa bình một lần nữa lại vang lên trên các diễn đàn quốc tế và trong các cuộc gặp cấp cao. Trung Quốc, sau nhiều kêu gọi, giờ đây đã thể hiện rõ quan điểm làm trung gian hòa giải và lần đầu tiên đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine. Nhưng đó là những bên không liên quan tới xung đột, còn với Nga - Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ Ukraine, quan điểm vẫn còn rất cứng rắn.
Trên chiến trường, giao tranh từng ngày diễn ra dữ dội. Trên bàn đàm phán, tiếng nói đồng thuận chưa thể tìm thấy từ tất cả các bên. Moscow ở thời điểm này vẫn giữ vững quyết tâm đạt bằng được những mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện đã mất niềm tin vào thiện chí của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Sự thống nhất không thể phá vỡ của Nga là chìa khóa cho chiến thắng của chúng ta".
Không ai nhượng bộ ai. Một năm qua Ukraine đã được củng cố khả năng chiến đấu với sự viện trợ vũ khí hiện đại không ngừng nghỉ của Mỹ và các nước châu Âu. Tổng thống Zelensky tuyên bố kháng cự đến cùng. "Chúng ta mạnh mẽ hơn tất cả. Chúng ta đã không bị đánh bại. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để giành chiến thắng trong năm nay".
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Tôi nghĩ điều quan trọng là không có nghi ngờ gì về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga".
Giới phân tích nhận định, chiến dịch quân sự sẽ có thể bước vào giai đoạn căng thẳng hơn. Trong Thông điệp liên bang ngày 21/2 vừa qua, Tổng thống Putin đã cảnh báo về trường hợp mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine, đó là nếu phương Tây quyết định cung cấp cho Ukraine vũ khí hiện đại tầm xa hơn, Nga sẽ phải đẩy lùi mối đe dọa này ra xa biên giới hơn nữa.
Chuyên gia quân sự Vladimir Evseev - Viện nghiên cứu các quốc gia SNG cho rằng: "Phương Tây không chỉ đơn giản là tiếp tục cung cấp vũ khí mà còn mở rộng cung cấp và vũ khí hiện đại hơn. Tổng thống Mỹ Biden đã nói về những điều đó, không chỉ là cung cấp mà là mở rộng cung cấp, vũ khí Liên Xô sản xuất không còn và họ cố gắng thay thế bằng vũ khí phương Tây. Câu chuyện ở đây là như vậy. Phương Tây càng cung cấp nhiều vũ khí hiện đại và có tầm xa hơn thì càng buộc Nga phải tấn công. Ví dụ như họ cung cấp cho Ukraine pháo tự hành độ xa 300km thì chúng tôi buộc phải đẩy mối đe dọa này xa thêm 300 km về phía lãnh thổ Ukraine. Không có phương án nào khác".
Chuyên gia Nga nhận định, Nga quyết tâm rằng xung đột Ukraine sẽ phải được giải quyết không phải với điều kiện của phương Tây mà điều kiện của Nga. Với những động thái cứng rắn của Nga và trong tình thế phương Tây tiếp tục đẩy căng thẳng xung đột lên cao, khó nhìn thấy khả năng để cuộc chiến dừng lại.
Sau một năm chiến sự dai dẳng, xung đột ngày càng cho thấy nó không chỉ là cuộc giằng co giữa Nga và Ukraine, mà là một cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga và phương Tây, khi hai bên ngày càng đổ nhiều nguồn lực, vũ khí vào chiến địa. Tuyên bố mới đây của Nga về việc dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
"Cơn bão" lệnh trừng phạt với Nga
Nói đến một năm xung đột Nga - Ukraine, sẽ thật là thiếu sót nếu không nói về cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây. Bởi đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, phương Tây áp đặt một cơn bão các lệnh trừng phạt lớn như vậy vào một cường quốc. Tác động của các lệnh trừng phạt này không chỉ được thấy ở Nga, châu Âu cũng chịu phản đòn và cả thế giới cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, việc áp đặt tới 15 ngàn lệnh trừng phạt lên Nga đã và tiếp tục là một chủ đề được tranh luận sôi nổi trong thế giới phương Tây khi xung đột tiếp diễn. Tác động của chúng vẫn còn gây tranh cãi, từ những dự đoán rằng lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Nga cho đến lập luận rằng chúng vô dụng và tự chuốc lấy thất bại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chế độ trừng phạt lớn nhất từng được áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Chúng tôi sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt trong tuần này cùng với các đối tác của mình".
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Phương Tây đã quay lưng lại với Nga không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế. Những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã tự trừng phạt chính họ, gây ra tình trạng tăng giá, mất việc làm và khủng hoảng năng lượng ở quốc gia của họ".
Những tuyên bố được hai bên đưa ra dịp 1 năm chiến sự và nó cho thấy cả hai vẫn đang quyết liệt theo đuổi cuộc chiến kinh tế. Đáng nhẽ thời điểm này là thời điểm của đối thoại, của đàm phán, nhưng những tin tức mà thế giới thấy lại là những cam kết đổ thêm vũ khí, rồi vòng trừng phạt bổ sung thứ 10 của EU nhằm vào Nga, hay là việc Nga đáp trả bằng cách cắt giảm 25% lượng xuất khẩu dầu thô từ tháng 3.
Về phía phương Tây, việc Mỹ và hơn 40 quốc gia trừng phạt Nga sau 1 năm đã không hạ gục nền kinh tế Nga như dự tính. GDP năm 2022 của Nga chỉ sụt giảm khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo âm 15% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế từng đưa ra.
Còn về phía Nga, quân bài năng lượng mạnh nhất nước này sử dụng cũng không khiến châu Âu khuất phục trong mùa Đông, giá dầu hiện đã về mức trước chiến tranh. Châu Âu thậm chí còn phản ứng lại, áp giá trần 60 USD một thùng với dầu thô Nga. Một cuộc chiến gây tổn hại cho cả hai mà chưa ai đạt được mục tiêu cuối cùng.
Chính sách trừng phạt của châu Âu hướng tới mục tiêu làm suy yếu cỗ máy phục vụ xung đột của Điện Kremlin. Tuy nhiên, Nga đã học cách chung sống với các lệnh trừng phạt từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cho thấy không dễ khuất phục trước đòn đánh kinh tế.
Vượt qua khuôn khổ xung đột Ukraine, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây là cuộc đối đầu vì thể diện quốc gia, vì những giá trị mà hai bên theo đuổi.
Ông John o'loughlin - Đại học Colorado Boulder, Mỹ: "Có cảm giác rằng phương Tây có tham vọng lớn hơn nhiều so với việc chỉ giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Đó là vô hiệu hóa Nga với tư cách là một cường quốc thế giới. Kịch bản có thể xảy ra nhất là cả hai bên sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm và đó sẽ là một cuộc chiến tiêu hao".
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ không muốn thua. Vì điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín nước Mỹ như một siêu cường chi phối toàn cầu. Nhưng Nga cũng không muốn thất bại vì quan điểm của người Nga cho rằng đây là cuộc chiến Vệ quốc, vì sự sống còn của Tổ quốc họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!