Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện nhằm thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-scanner và chụp mạch số hóa nền (DSA) không sử dụng phim. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Việc ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) đã tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cơ sở y tế, nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay, đã có 20 bệnh viện gồm: đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, quận Thủ Đức, Nhân dân Gia Định, đa khoa TP Vinh, đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, đa khoa Trung ương Quảng Nam, Thống Nhất, đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Nhi Trung ương… triển khai ứng dụng thành công hệ thống PACS.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực y tế ở các đơn vị, địa phương đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Cho đến nay tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin bệnh viện là 100%. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa đồng đều giữa các bệnh viện và việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn.
Cụ thể, 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm hỗ trợ quản lý (HIS), trong đó có một số bệnh viện tự phát triển phần mềm HIS, còn lại phần lớn các bệnh viện dùng phần mềm HIS của các doanh nghiệp công nghệ thông tin; 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã triển khai phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử, thư điện tử; 36 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); hơn 90% các bệnh viện hạng I có cổng hoặc trang thông tin điện tử bệnh viện.
Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạt nhân đóng vai trò hỗ trợ các bệnh viện khác triển khai hoạt động y tế từ xa đã triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 11 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh, thành phố gồm các bệnh viện đa khoa Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - bệnh viện hạt nhân triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 7 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh, thành phố là các bệnh viện đa khoa Hà Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang. Bộ Y tế đã bổ sung thêm các bệnh viện hạt nhân gồm Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai dự án y tế từ xa đến các bệnh viện hạt nhân còn lại thuộc Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong ngành y tế như: cơ chế tài chính vận hành hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng lưu trữ và truyền tải hình ảnh không sử dụng phim.
Ngành y tế cũng sẽ xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách hành chính. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin. Tập trung thực hiện gửi dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến, bảo đảm đạt tỉ lệ gửi hồ sơ đúng ngày ít nhất 99% đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến Trung ương và đạt 100% đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, xã.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!