Trong những năm qua, cùng với các chính sách giảm nghèo tổng thể, chính sách tín dụng cho người nghèo được coi là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Từ những đồng vốn nhỏ nhoi ban đầu, đã có hàng triệu hộ nghèo, hộ chính sách, bà con dân tộc, vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận và có cơ hội để vươn lên thoát nghèo.
Vợ chồng anh Hà Văn Thắm, người dân tộc Mường, ở xã Long Cốc đã gắn bó với nguồn vốn tín dụng chính sách từ khi mức vay chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng. Khi đó, gia đình chỉ dám nghĩ đến hai chữ đủ ăn. Cứ vay rồi lại trả, dần dần cuộc sống vợ chồng anh Thắm ngày càng vững hơn và cũng tích lũy được ít vốn. Anh mạnh dạn đầu tư cho trồng chè hữu cơ và sao sấy chè thương mại. Đến nay, vợ chồng anh đứng đầu HTX chế biến chè có quy mô rộng tới 24 ha.
Còn đối với gia đình ông Hà Xao Xuyến (xã Long Cốc), nguồn vốn tín dụng chính sách như một điểm tựa, giúp gia đình ông thoát khỏi cảnh nghèo khó vây bám đã quá nửa đời người. Từ chỗ chật vật lo cái ăn, mưu sinh, giờ gia đình ông đã có đàn trâu sinh sản và hàng chục tổ ong cùng 1 ha chè. Đến nay, ngày càng có nhiều hộ như anh Thắm, ông Xuyến thoát được nghèo khó nhờ nguồn vốn chính sách.
Tính đến giữa năm nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 198.000 tỷ đồng, tăng gần 56.000 tỷ đồng so với 2015, với trên 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn. Đây có thể coi là một nguồn lực, tiếp sức cho hàng triệu hộ nghèo trên cả nước vươn lên thoát nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!