Từ tháng 5/2019, 4 bệnh viện lớn hàng đầu cả nước đã thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Bốn bệnh viện này là: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Việc tự chủ toàn diện sẽ giúp bệnh viện năng động hơn trong mọi hoạt động, nhất là khi muốn phát triển kỹ thuật mới hay đầu tư trang thiết bị hiện đại...
Mỗi năm nhà nước phải chi 1.200 tỷ đồng để trả lương cho khoảng 11.000 cán bộ nhân viên y tế của 4 bệnh viện lớn, chưa tính đến các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại và triển khai các kỹ thuật mới.
Từ thời điểm này, Nhà nước sẽ không dùng ngân sách để chi trả lương cũng như đầu tư cho 4 bệnh viện. Ban Giám đốc sẽ được thay thế bằng Hội đồng quản lý để điều hành, trong đó có đại diện của Bộ Y tế.
Các bệnh viện sẽ phải tự đảm bảo thu nhập, điều kiện làm việc cho cán bộ nhân viên. Hiện vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc tự chủ sẽ gia tăng tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ xét nghiệm, kéo dài ngày nằm viện, như vậy sẽ bội chi quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh sẽ phải chịu mức phí cao.
Bộ Y tế khẳng định việc tự chủ của các bệnh viện phải hướng tới mục tiêu chăm sóc tốt sức khỏe người dân và phát triển các kỹ thuật cao, tiên tiến để giữ người bệnh ở trong nước. Bốn bệnh viện sẽ thí điểm trong vòng 2 năm, sau đó sẽ đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai mở rộng tới các bệnh viện khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!