Chủ trương này đang gây nhiều bất ngờ cho những chủ nhà máy chế biến và cả những ngư dân khi họ đã gắn bó với nghề đánh bắt hải sản nhiều đời nay.
Hệ thống xử lý khí thải này vừa được doanh nghiệp chế biến bột cá Long Sơn đầu tư gần 10 tỷ đồng để làm lại. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thiện, họ được biết thông tin nhà máy có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và đóng cửa nhà máy. Điều này đồng nghĩa với phá sản.
Nhiều ngư dân ở làng cá Phước Tỉnh cũng thấy bất ngờ về chủ trương này. Thực tế chỉ cần các nhà máy ngừng thu mua là đã khiến họ điêu đứng, giờ đóng cửa, họ không biết sẽ bán hải sản thế nào bởi 50 đến 70% cá đánh bắt được sau mỗi chuyến biển đều bán làm bột.
Chủ trương di dời, chuyển đổi công năng các cơ sở chế biến hải sản, đóng cửa các cơ sở sản xuất bột cá được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Theo đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc di dời các cơ sở chế biến còn mục đích lớn hơn là để thuận tiện cho việc phát triển kinh tế.
Khu vực Long Sơn đã được quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ phế phẩm hải sản từ năm 2008 với thời hạn thuê đất là 50 năm. Tuy nhiên, việc qui hoạch và đóng cửa các nhà máy ở khu vực này sớm hơn dự kiến có thể gây ra một sự lãng phí lớn cho hàng chục doanh nghiệp đã đầu tư vào đây. Đặc biệt, hệ lụy có thể thấy ngay là cuộc sống của hàng ngàn ngư phủ bao đời nay gắn bó với nghề biển không biết sẽ đi về đâu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!