Trong tuần qua, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất xác đáng vào Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Báo chí cũng đã nóng lên cùng với đề tài này ngay từ trước khi phiên họp trong Quốc hội chính thức diễn ra.
Tờ Đại biểu nhân dân cho rằng việc xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần phải đột phá vào điểm nghẽn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đã đến lúc cần phải có một cơ quan đặc nhiệm chống tham nhũng, phải có cơ chế hiệu quả để kê khai, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Còn tờ Tuổi trẻ thì lo ngại nếu Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi không có những đột phá về việc công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản cán bộ công chức thì luật cũng vẫn chỉ là "cọp không răng" như cách mà những chuyên gia nước ngoài từng bình luận.
Trong 10 năm qua, thiệt hại do tham nhũng được ước tính vào khoảng 60.000 tỷ VND và khoảng 400 ha đất nhưng nhà nước chỉ thu hồi được 8% trong số đó. Vì thế, xác định tài sản bất minh và xử lý thế nào với tài sản này, đó là quan điểm chung của nhiều đại biểu quốc hội.
Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: "Sửa luật phòng, chống tham nhũng - Vẫn bất lực trước tài sản bất minh?" khi dự thảo luật chưa đưa ra được cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh vì có liên quan tới quyền sở hữu cá nhân được hiến pháp bảo vệ.
Cùng chia sẻ nhận định, báo Thanh niên cho biết, dự thảo luật vẫn chỉ xử lý với người kê khai không đúng còn với tài sản không giải trình được thì vẫn để ngỏ, không có cơ chế xử lý giống như hiện nay.
Mời độc giả theo dõi phần tổng hợp trong chương trình Báo chí toàn cảnh ngày 26/11 để xem trọn vẹn đánh giá từ dư luận, truyền thông về Luật chống tham nhũng sửa đổi.