Nên hay không nên mở rộng phạm vi đối tượng vi phạm trong dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi ra khu vực ngoài Nhà nước? Xử lý như thế nào đối với tài sản không rõ nguồn gốc? Đó là những vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội hôm nay khi thảo luận về dự án Luật này.
Nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn nhất của công tác phòng, chống tham nhũng chính là kiểm soát tài sản, nhất là tài sản không rõ nguồn gốc. Bởi pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản bất minh, do đó Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần khắc phục được hạn chế này.
Cho rằng dự thảo luật mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực tư chính là điểm nổi bật trong sửa đổi Luật lần này, các đại biểu phân tích điều này là cần thiết bởi phù hợp với công ước quốc tế, cũng như chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng mở rộng đối tượng điều chỉnh ra khu vực tư, tính khả thi của quy định không đảm bảo vì sẽ có mâu thuẫn khi một mặt đặt vấn đề thu hẹp đối tượng kê khai tài sản để thực hiện một cách có thực chất nhưng mặt khác đối tượng cần kiểm soát tham nhũng lại mở rộng.
Dự kiến, dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ tiếp tục được thảo luận ở kỳ họp tới của Quốc hội.
Cuối giờ chiều nay, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thủy sản sửa đổi và thông qua Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!