Một tuần đã trôi qua với đầy ắp những sự kiện trong và ngoài nước. Cùng Báo chí toàn cảnh điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản
Với 57 hoạt động trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa hai nước, thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản trong thời kỳ Lệnh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Nhiều tờ báo đã đưa tin về chuyến thăm với nhiều thông điệp nhấn mạnh khác nhau. Tin trên tờ Thanh niên đưa có tiêu đề "Đối tác tin cậy hàng đầu và lâu dài" với hình ảnh hai vị Thủ tướng ngồi trao đổi vào ngày 1/7. Trong khi đó, tờ Đại đoàn kết chọn bức ảnh hai vị Thủ tướng bắt tay nhau trong bài viết "Việt Nam - Nhật Bản: Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực".
Nhiều trao đổi liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản cũng được nhắc tới trong cuộc gặp giữa hai người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam. Hai bên đã thống nhất về các thủ tục cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và quả táo của Nhật Bản. Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét, sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, quả vú sữa, quả chanh leo và hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Chính phủ kiên quyết không thay đổi bất kỳ một chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội nào
Trong 6 tháng đầu năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực. Kết quả, GDP tăng 6,76%, cao hơn mức của 6 năm trước đây, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khẳng định không vì những kết quả tích cực mà hài lòng. Nhiều tờ báo đã rất tâm đắc với những phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ.
Tờ Đầu tư bình luận: "Chỉ tiến, không lùi. Điều này thể hiện tinh thần quyết liệt thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm nay. Có quyết liệt như vậy thì mới có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng 6,8%, thậm chí cao hơn".
Trong khi đó, tờ Quân đội nhân dân cho rằng: "Quyết tâm ấy còn thể hiện ở việc không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào, khó khăn thì phải vượt qua, thậm chí người ta nói đây là thời cơ của Việt Nam".
Một số sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị áp thuế 400%
Cuối tuần trước đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu. Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan về những cơ hội liên quan đến xuất khẩu và thu hút đầu tư mà cả hai hiệp định mở ra. Tuy nhiên, khai thác các hiệp định này như thế nào thì vẫn còn là một câu hỏi. Khi thị trường đã mở ra, Việt Nam cũng mở cửa cho thị trường cho hàng hóa của Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp trong nước nếu không có hàng hóa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Mối lo lớn đặt ra là một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tay cho hàng nước ngoài "đội lốt" hàng trong nước. Nếu vấn đề này không được xử lý mạnh tay, uy tín của Việt Nam đối với các bạn hàng lớn sẽ bị ảnh hưởng.
Tờ Người lao động đã phản ánh trên trang nhất vấn đề này với tiêu đề "Mù mờ tiêu chí hàng Việt". Theo đó, quy tắc để xác định xuất xứ hàng hóa tại một quốc gia nhìn chung yêu cầu quốc gia đó phải là nơi sản xuất ra toàn bộ hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với một hàng hóa. Công đoạn cuối này phải đóng vai trò trọng yếu, làm thay đổi cơ bản giá trị hàng hóa. Như vậy, công đoạn gia công chế biến dưới dạng đóng gói giản đơn sẽ không được xét đến và ghi mác là "Made in Vietnam".
Đối với hàng trong nước, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có những quy định cụ thể hơn nữa để tránh lúng túng trong việc phân định sản phẩm là hàng Việt Nam hay sản xuất ở Việt Nam. Điều này giúp tránh sự gian dối của một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở.
Tờ Tiền phong đã cảnh báo về "Loạn hàng ngoại gắn mác "made in Vietnam"". Theo đó, hiện các tem, mác "Made in Vietnam" được buôn bán tràn lan, tinh vi. Nhiều loại mỹ phẩm, quần áo ngoại khi thay mác "Made in Vietnam" đều được bán với giá gấp 2-3 lần giá gốc hoặc lợi nhuận 70%. Không chỉ đội lốt hàng Việt để bán ở Việt Nam, hàng Trung Quốc còn đội lốt hàng Việt xuất đi nước ngoài khiến không ít doanh nghiệp Việt bị mất uy tín trên thương trường quốc tế.
Tuần qua, ngành thép Việt Nam được tờ Tuổi trẻ gọi là gặp phải cơn địa chấn khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp mức thuế lên tới 456% đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do cáo buộc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Hoa Kỳ từng áp dụng với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Tuổi trẻ trích dẫn từ các doanh nghiệp ngành thép, mức thuế mới gần như đã đóng cửa hoàn toàn với thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam nếu không chuyển đổi nguyên liệu phù hợp.
30 năm hệ thống nhà giàn DK1 bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Ngày 5/7 là một ngày kỷ niệm không phải ai cũng biết - kỷ niệm 30 năm chủ trương xây dựng các nhà giàn DK1 ở phía Đông bờ biển Nam bộ, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Báo chí đã có nhiều bài viết và những câu chuyện xúc động chuyển tải đến độc giả liên quan đến chủ đề này.
Báo Sài Gòn giải phóng cho biết, trong 30 năm qua, mỗi nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền, đôi mắt thần trên biển ngày đêm quan sát, nắm chắc mọi tình hình. Các cán bộ, chiến sĩ DK1 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, thiếu thốn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đối với bà con ngư dân, cán bộ, chiến sĩ DK1 như những người thân trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho họ yên tâm vươn khơi, bám biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!